Văn hóa và đạo đức

Quà đầu năm của mẹ!

Gia đình anh Hân lên kế hoạch về quê trong dịp Tết Nguyên đán từ khá lâu. Vé tàu đã đặt, quà cáp cũng sắm sửa từ trước đó cả mấy tuần. 

Hai vợ chồng anh háo hức một, thì đám trẻ háo hức mười. Lâu rồi không về quê, hai đứa con anh Hân nhớ bà lắm. Chúng còn dùng tiền tiết kiệm mua nhiều món quà tặng bà. Nhưng thật không may, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khu phố nhà anh Hân tuy không nằm trong vùng bị cách ly vì dịch, song để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, cuối cùng vợ chồng anh cũng phải quyết định ở lại Hà Nội đón Tết. Anh gọi điện về thông báo cho mẹ. Mẹ khóc vì nhớ con, cháu. Anh Hân cũng không cầm được nước mắt. Như một thói quen, bao năm nay, những ngày Tết là dịp mẹ con, bà cháu sum họp. Bố mất đã lâu, anh là con một, chỉ có mỗi mẹ ở quê, cái Tết năm nay với mẹ vì thế càng thêm quạnh quẽ. Lời mẹ vẫn văng vẳng trong anh: “Các con không về mẹ buồn lắm, nhưng không có gì quan trọng hơn sức khỏe của các con và các cháu!”.

Những ngày sau đó, vì không về quê ăn Tết, anh Hân nhận thêm nhiều việc làm tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Bởi thế, khi mọi nhà trong phố tấp nập mua sắm để chuẩn bị đón Xuân đầm ấm, anh và vợ vẫn miết mải với công việc của mình. Qua Tết mấy ngày, có người mang đến một thùng quà nói là mẹ anh gửi nhờ ra theo đường xe khách tuyến. Anh nghĩ thầm trong bụng: “Mình không về được, không biết mẹ gửi cái gì ra đây?”. Mở thùng xốp ra, ngoài bánh chưng, cây giò, hộp củ kiệu muối, còn là hoa quả và mấy thứ bánh đặc sản quê nhà mà anh rất thích ăn trong mỗi dịp đầu năm. Anh nhớ, hồi còn nhỏ, vào những ngày này, mẹ vẫn thường cặm cụi tự mình làm những thứ bánh truyền thống quê hương. Cũng đã thành thói quen từ trong tiềm thức tuổi thơ, mỗi lần thấy những món bánh trái này, anh lại như thấy Tết đã về và mùa Xuân rộn ràng ngoài ngõ xóm. Trong thùng còn có một bức thư được gấp ngay ngắn của mẹ viết gửi anh: “Hân con! Tết năm nay các con không về được nhưng yên tâm nhé, không phải lo cho mẹ đâu. Ở đây, mẹ đã có các bác, các chú, các dì qua lại, cũng đỡ buồn. Cũng sắp đón rằm tháng Giêng, ngoài đó, thực phẩm có nhiều, biết các con chẳng thiếu thứ gì, nhưng mẹ vẫn làm và gửi mấy món truyền thống quê mình cho các con, các cháu…”.

Đọc xong thư, mắt anh Hân nhòe đi. Bao giờ cũng vậy, mẹ vẫn luôn nghĩ cho con cháu. Món quà của mẹ không chỉ là những món đồ đơn thuần. Món quà của mẹ còn là tình yêu bao la, là hình ảnh quê hương thân thương gửi gắm, luôn hiển hiện trong mỗi người, không bao giờ quên.