Phát triển văn hóa xứng tầm, đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn

NDO -

NDĐT - Giải trình trước Quốc hội ngày 31-10, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa hiện nay vẫn chưa tương xứng với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị - kinh tế. Ngành du lịch những năm qua tăng trưởng mạnh, là điểm đến của nhiều khách du lịch nhưng chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm du lịch chưa phong phú.

Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Quốc hội sáng 31-10.
Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Quốc hội sáng 31-10.

Ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Trong sáng nay, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình trước Quốc hội hai nội dung quan trọng: giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế và tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống; tăng cường quản lý và đầu tư cho du lịch.

Văn hóa chưa phát triển xứng tầm với chính trị - kinh tế

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn ĐBQH Hà Nội nhận định, trong 5 năm qua, lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên xét về tổng thể thì văn hóa chưa được coi trọng tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước.

Theo đại biểu, nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và rất hạn chế. “Nguồn ngân sách dành cho dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khoảng 58 tỷ đồng/năm đối với nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình di tích cấp quốc gia, nếu chia bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng một công trình. Ngoài ra, việc quản lý công trình văn hóa cấp quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, quản lý cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo, làm kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền những vấn đề về Biển Đông mà báo đài đã nêu trong thời gian vừa qua”, đại biểu Dương Minh Ánh nói.

Do đó, đại biểu Dương Minh Ánh đề xuất, Chính phủ cần ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách để tu bổ cho các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Có giải pháp quản lý chặt chẽ, cẩn trọng hơn đối với việc cấp phép, phát hành các tác phẩm điện ảnh. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu thật kỹ và đánh giá tác động của việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát triển văn hóa xứng tầm, đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn ảnh 1

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn ĐBQH Hà Nội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn ĐBQH Đồng Tháp chia sẻ tâm tư của cử tri hiện nay băn khoăn nhiều về vấn đề lãng phí của những cuộc kỷ niệm lớn với đông người tham dự, những màn nghệ thuật hoành tráng mà ngân sách đầu tư không nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều công trình nhân danh văn hóa tâm linh được xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích môi trường, cảnh quan an ninh quốc phòng, nhiều lễ hội bị lạm dụng và biến tướng.

Cũng theo đại biểu này, muốn có văn hóa phát triển bền vững cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực, phải khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhận định, việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội... là những vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa.

“So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị - kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh như Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã chỉ ra”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng, để văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nhận định sự phát triển mạnh mẽ của du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đoàn ĐBQH Hà Nội bày tỏ quan ngại, Chính phủ chú trọng phát triển về số lượng khách mà chưa thật quan tâm đến chất lượng, tới đóng góp của du lịch cho GDP, cho phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó việc định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như đưa ra các chính sách đầu tư cho quảng bá, xúc tiến thiên về tăng nhiều khách đến, bất luận là dòng khách nào, với các con số rất ấn tượng, rất dễ thấy thành tích.

“Sự tăng trưởng đột biến về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gần 30% trong năm 2016-2017 là nhất thời. Con số 30 thậm chí 20 hay 15% sẽ khó lặp lại trong năm nay và những năm tiếp theo nếu chúng ta ngủ quên trên vòng nguyệt quế, rơi vào bẫy tăng trưởng khách”, đại biểu Hưng nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, nếu ngành du lịch không thật quyết liệt, có nỗ lực, quyết tâm cao gấp hai đến ba lần ngay trong năm 2019 là năm bứt phá thì tuy những mục tiêu mà Nghị quyết 08 Bộ Chính trị đề ra đến năm 2020 chúng ta có thể đón được 17 đến 20 triệu khách du lịch có thể đạt được, nhưng mục tiêu du lịch đóng góp trên 10% GDP tạo ra 4 triệu việc làm và cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ khó thực hiện được vào năm 2020.

Giải trình trước Quốc hội sáng 31-10, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian vừa qua ngành du lịch đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2015 đến 2018 khách quốc tế tăng gần hai lần từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25% /năm. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khách nội địa tăng 1,4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu vào năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế tăng 13% so với tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á.

Du lịch Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng như Giải thưởng Du lịch hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á. Thành phố Hội An được bình chọn là điểm đến thành phố hàng đầu châu Á.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện, trong hai lần xếp hạng đã tăng lên được 12 bậc, hiện nay đứng thứ 63/140 nước. “Các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam như chiến lược phát triển du lịch Việt Nam có thể nói rằng đến năm 2020 đạt 10 triệu thì hiện nay dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2019 sẽ cơ bản thực hiện được Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra”, Bộ trưởng nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng bày tỏ, phát triển du lịch Việt Nam cũng gặp rất nhiều tồn tại, hạn chế như chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú và còn rất nhiều hạn chế.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, để phát triển ngành du lịch, cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp công - tư Trung ương, địa phương, ứng dụng công nghệ.

“Đặc biệt là cần tăng nguồn kinh phí cho hai chương trình du lịch hiện nay chúng ta rất thấp, chỉ đạt được 54 tỷ 2,5 triệu so với Thái Lan là khoảng 80 triệu USD. Tiếp tục đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch”, Bộ trưởng phát biểu.