Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam

Với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2020 đang được tổ chức trên phạm vi cả nước với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa chuẩn mực, tốt đẹp của gia đình Việt Nam được hình thành qua bao đời nay.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chú trọng công tác gia đình; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa được nâng lên, nhất là ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại Bắc Giang, năm 2005, số gia đình văn hóa chỉ đạt tỷ lệ 74,7% thì năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 89,4%. Ở Phú Thọ, năm 2005 đạt 72,5%, năm 2019 là 88,5%. Ở Cao Bằng, năm 2005 đạt 59%, năm 2019 là 84,7%... Công tác xây dựng gia đình đã được lồng ghép với các phong trào thi đua tại cơ sở, như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xây dựng gia đình năm không, ba sạch”… Các mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương, hoạt động tích cực, góp phần dung hòa các mối quan hệ gia đình, hạn chế bạo lực, xung đột, xây dựng các kỹ năng chăm sóc gia đình. Điển hình như câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ở Đồng Nai, câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc ở Hòa Bình. Đầu năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai hoạt động thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm vận động các hộ và thành viên trong gia đình hiểu và thực hiện ứng xử văn hóa gia đình.

Thực tế cho thấy, trong nhiều hoàn cảnh, văn hóa gia đình truyền thống luôn là nền tảng, sợi dây liên kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình; tạo nên sức mạnh vượt qua nhiều khó khăn. Thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ vừa qua, nhiều giá trị văn hóa gia đình được dịp khơi gợi, củng cố và phát huy mạnh mẽ. Nhịp sống chậm lại là cơ hội để mọi người trong nhà dành thời gian quây quần, đoàn tụ. Ông bà, cha mẹ, con cái gần gũi tâm sự, trò chuyện và gắn kết với nhau thông qua bữa cơm, cùng chia sẻ công việc nhà, những vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ quan tâm dạy dỗ con học bài, lắng nghe tâm tư tình cảm, cùng rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất… Tổ ấm gia đình chính là điểm tựa yêu thương. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các giá trị cốt lõi trong cuộc sống đã hình thành nên nếp sống gia đình văn minh, đồng cảm chia sẻ; từ đó thể hiện trách nhiệm với cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Bên cạnh mặt tích cực, trong thực tế, một số vấn đề đáng lo ngại như tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong hôn nhân, bạo hành, xâm hại trẻ em, tảo hôn… vẫn diễn ra nhức nhối. Đáng chú ý, tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em chưa có dấu hiệu thuyên giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển thể chất, sự hình thành nhân cách và sự phát triển lành mạnh của trẻ. Vì vậy, cùng với việc xây dựng gia đình vững mạnh, hạnh phúc, các cấp, ngành, tổ chức và người dân cần chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết về phòng, chống bạo lực gia đình; có chế tài nghiêm khắc với những người gây ra hành vi bạo lực; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng…

Xã hội hiện đại đang không ngừng thay đổi, phát triển tác động trực tiếp đến các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam, nhưng dù có biến đổi đến đâu thì gia đình vẫn luôn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, bền vững. Sức mạnh nền tảng của văn hóa gia đình sẽ luôn là yếu tố được phát huy để xây dựng gia đình và xã hội ấm no, hạnh phúc, ngày càng phát triển. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp thu những điều mới mẻ, tiến bộ trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa cần tiếp tục giữ gìn, tôn vinh và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tăng cường giáo dục đạo đức và lối sống, phát huy vai trò, trách nhiệm và hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.