Bà Alix Turolla Tardieu:

"Ông nội của tôi đã cống hiến hết mình cho Việt Nam"

Bức tranh tường phục dựng của Victor Tardieu hiện treo tại Đại học Quốc gia (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội).
Bức tranh tường phục dựng của Victor Tardieu hiện treo tại Đại học Quốc gia (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội).

* Thưa bà, xin bà cho biết ấn tượng của bà về ông nội?

- Tôi chưa hề được gặp ông, vì năm tôi lên 1 tuổi (năm 1937), ông mất ở Việt Nam. Nhưng đương nhiên, tôi rất ấn tượng về ông, vì trong suốt nhiều năm, bà nội tôi thường xuyên nói về ông và những ngày tháng ông bà sống ở Hà Nội.

Bạn hãy xem trong cuốn Thư Hà Nội mới tái bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm Trường đại học Đông Dương có in ảnh ông bà tôi trong căn nhà ở Hà Nội vào khoảng năm 1927 - 1928. Ông nội - một người thông minh, giàu lòng vị tha... - cũng từng là thần tượng của tôi. Trong truyền thống của gia đình tôi, ông là người đã cống hiến hết mình cho Việt Nam.

* Có bao giờ bà nội của bà kể về chuyến đi đến Việt Nam của ông nội Victor Tardieu?

- Bà tôi và các thế hệ sau này của dòng họ Tardieu luôn ngưỡng mộ trước những công việc mà ông nội Victor đã làm Việt Nam, trong đó có việc sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hay việc thực hiện bức tranh tường trên giảng đường Trường đại học Đông Dương cũ trong suốt 6 năm trời.

Ông luôn muốn được sống và làm việc ngay tại đất nước này mà không có ý định quay trở lại Pháp. Tất nhiên, bà tôi buồn vì điều đó, nhưng bà kể rằng, bà biết ở đây, ông đã làm được những gì mà ông mong muốn!

* Việc phục dựng bức tranh tường khổng lồ này có ý nghĩa thế nào với gia đình bà?

Bà Alix Turolla Tardieu, sinh năm 1936, là cháu nội của họa sĩ Victor Tardieu - người sáng lập Trường cđẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là ĐH Mỹ thuật Hà Nội), là con gái của nhà văn Jean Tardieu, tác giả cuốn Thư Hà Nội.

- Gia đình tôi rất tiếc vì qua thời gian, bức tranh gốc đã không còn. Khi Ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề xin phép phục dựng lại tác phẩm này, chúng tôi đã chấp nhận ngay, vì biết rằng, dù thế nào bức tranh cần được "sống" ở ngày tại nơi nó ra đời.

* Gia đình bà hiện còn lưu giữ những kỷ vật về Việt Nam của cố họa sĩ Victor Tardieu?

- Nhiều ký họa của ông nội, trong đó có cả phác thảo bức tranh tường khổng lồ đã từng được gia đình lưu giữ cẩn thận. Song tiếc là những tư liệu quý này đã bị cháy sau một vụ hỏa hoạn, chỉ còn lại những bức thư ông viết cho gia đình, cho các quan chức Pháp thời đó.

Trong những bức thư đó, ông có kể về cảm giác mệt mỏi, nhưng hầu hết là niềm hưng phấn, say mê vì ông đã làm được rất nhiều điều ở xứ sở Đông Dương. Ông chỉ thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với điều kiện là việc giảng dạy phải dành riêng cho người Việt - những người thực sự cần có sự giúp đỡ để tìm lại nguồn cảm hứng đích thực, để họ có thể tự giải thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và phương Tây.

* Gắn bó với Việt Nam có phải là truyền thống gia đình bà? Ngay trong buổi lễ khánh thành công trình phục dựng bức tranh tường, tôi thấy bà đã gặp gỡ rất nhiều người bạn Việt Nam?

- Tôi đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1997, nhưng tôi đã quá biết về Hà Nội qua bà nội, rồi cha tôi và những tư liệu trong thư viện của gia đình.

Tôi sang Việt Nam và gặp gỡ con của những người bạn của cha, ông tôi, như con trai của ông Nguyễn Nam Sơn (cộng sự của họa sĩ Victor Tardieu trong việc thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Trước kia, tôi liên hệ với họ qua fax, và bây giờ thì thường xuyên hơn với e-mail. Qua lần phục dựng bức tranh tường của ông tôi, tôi còn quen biết thêm khá nhiều người bạn Việt Nam.

* Bà biết đến những bức thư của cha bà gửi bạn (được in trong cuốn Thư Hà Nội, NXB Phụ nữ) từ khi nào?

- Cha tôi rời nước Pháp để đến Việt Nam khi sự nghiệp văn học của ông bắt đầu cất cánh. Nhưng hai bức thư dài ông viết từ Hà Nội cho những người bạn là Roger Martin du Gard - nhà văn nổi tiếng Pháp từng được trao giải Nobel - và Jacques Heurgon đã trở thành dấu ấn trong sự nghiệp văn chương của ông. Năm 1985, lúc đó cha tôi đã già và không còn khỏe, ông gọi tôi đến và cho xem hai bức thư này.

Cha tôi cũng hỏi tôi về việc có nên in những bức thư này thành sách hay không. Không phải là lần đầu tiên nghe nói về Hà Nội, nhưng lúc đó tôi rất xúc động khi đọc những dòng ông viết về những "diện mạo" của Hà Nội. Nhờ cách miêu tả chi tiết, qua những cảnh đời sống thường nhật, tôi đã khám phá một thành phố sống động, đầy mầu sắc và quyến rũ.

Năm 1997, NXB danh tiếng ở Paris Gallimard đã ấn hành cuốn Thư Hà Nội gửi Roger Martin du Gard. Hai năm trước đây, Thư Hà Nội gửi Jacques Heurgon cũng được NXB IMEC ấn hành.

Đến giờ, tôi vẫn còn băn khoăn vì, sinh thời, cha tôi đã mong muốn tặng bản gốc của bức tranh sơn dầu Thiếu nữ Hà Nội (bìa cuốn Thư Hà Nội ) cho Việt Nam, nhưng đã không thực hiện được vì tranh đã bị cháy.

* Xin cảm ơn bà!

Theo Thể thao và Văn hóa

----------------------------
* Tin bài liên quan:
- Hoàn thành phục dựng tranh tường lớn tại ĐHQG gia Hà Nội (15-5)
- Hành trình tìm kiếm và khôi phục bức tranh tường khổng lồ (31-3)