Nghệ nhân trẻ - Anh là ai?

NDO -

NDĐT - Nhìn nhận rõ hơn về thế hệ trẻ đang tham gia nắm giữ, thực hành bảo tồn, phổ biến các giá trị di sản dân tộc trong đời sống hiện đại hôm nay, sẽ là điều kiện thiết thực cho việc bổ sung phù hợp cho chính sách đãi ngộ, hỗ trợ hay các hoạt động hợp tác, vì tương lai và sự tồn tại, lan tỏa trong thực tại của di sản.

Thợ trẻ làng đúc đồng Đại Bái - Bắc Ninh.
Thợ trẻ làng đúc đồng Đại Bái - Bắc Ninh.

Định hình rõ

Một thực tế mới và đang phổ biến trong đời sống văn hóa, đó là sự xuất hiện của những gương mặt thường được gọi là nghệ nhân trẻ những năm gần đây. Theo dòng trôi thời gian, các nghệ nhân kỳ cựu, cao tuổi, đã dành cả đời hoặc có thâm niên nhiều chục năm giữ gìn, trình diễn vốn cổ lần lượt vắng bóng, già yếu. Một lẽ đương nhiên, là có sự vươn lên của các thế hệ kế cận để tiếp nối trách nhiệm giữ gìn di sản như những ý thích, đam mê tự thân.

Đáng chú ý ở lớp người mới, trẻ, có sự đa dạng của nguồn gốc thực hành nghề nghiệp. Nếu các nghệ nhân xưa thường học hỏi theo lối truyền nghề, truyền miệng, đặt tay chỉ ngón, lấy kinh nghiệm làm chỗ dựa quan trọng, thì lớp người trẻ có nhiều cách tiếp cận di sản, học nghệ nhân, nghệ sĩ, khai thác tư liệu… vận dụng được nhiều phương thức đào tạo, nghiên cứu mới, vận dụng cả thành quả công nghệ, kỹ thuật hiện đại cho việc học tập. Thế hệ này cũng phát huy xu hướng mở trong việc quảng bá, lan tỏa di sản, trong sự tranh thủ các phương thức truyền thông, phương tiện báo chí để quảng bá hình ảnh, khẳng định tên tuổi, nghề nghiệp. Điều này ít nhận thấy ở lớp nghệ nhân cao tuổi, trung niên vốn vẫn giữ phong cách, lề lối kiểu xưa cũ, cần mẫn và lặng lẽ cóp nhặt, tích lũy, rèn giũa, “thong thả lan truyền” di sản với quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”.

Nghệ nhân trẻ - Anh là ai? ảnh 1

Sự xuất hiện và đang tham gia vào đời sống văn hóa, thực hành bảo tồn, trình diễn, phát huy giá trị di sản của lớp người trẻ, đặt ra yêu cầu cần định hình rõ hơn về khái niệm, quan niệm về nghệ nhân, những tiêu chí, đặc điểm, những hành động nghề nghiệp liên quan… Từ đó giúp giới nghề, công chúng, xã hội có nhiều hơn những điểm tham chiếu để phân định rõ hơn, hoặc một cách tương đối về đối tượng, lực lượng nghệ nhân nói chung và các thế hệ nghệ nhân khác nhau trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức di sản. Thí dụ nguồn tri thức về di sản, năng lực trình diễn, thực hành, thời gian cuộc đời dành cho lưu truyền di sản… Rồi nghệ nhân giống hay khác nghệ sĩ ở những điểm nào. Và nhiều người trẻ xuất hiện trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, nghề truyền thống, tri thức dân gian… hiện nay phù hợp hơn với cách gọi là nghệ nhân hay nghệ sĩ. Trong cách nhìn nhận phổ biến lâu nay thì nhắc đến nghệ nhân thường có ý chỉ những người cao tuổi, có thâm niên nhiều năm trong nghề nghiệp cổ truyền của mình. Vậy nếu những người trẻ có thể được gọi là nghệ nhân thì khái niệm, cách nhìn về nghệ nhân có thể mở rộng, bổ sung thêm thế nào. Hoặc, danh xưng nghệ nhân không nên dễ dãi, thoải mái quá, và những người trẻ phải ở trình độ, “đẳng cấp” thế nào mới có thể được tôn là nghệ nhân…

Để đồng hành hiệu quả

Cách gọi, cách định hình rõ ràng về những gương mặt đang được gọi là nghệ nhân trẻ, nhìn rộng ra là một thế hệ trẻ, mới, tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản, rất có liên quan, ảnh hưởng đến việc tôn vinh xứng đáng nếu họ khẳng định được tài năng và có đóng góp cho cộng đồng, cho sự tồn tại, phát triển của di sản. Mặt khác, cũng nhằm có sự góp ý, phê bình nếu xảy ra trường hợp những bạn trẻ nào đó tự xưng nghệ nhân hoặc được gọi là nghệ nhân nhưng có những việc làm sai lệch, làm xấu về di sản, hoặc lợi dụng di sản để đề cao, “đánh bóng” bản thân, thực hiện những mục đích xa rời cái gốc di sản tốt đẹp. Tất nhiên đây là điều không ai mong muốn, và có được những gương mặt thuộc thế hệ mới yêu mến, tự thân nỗ lực bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản ở nhiều mức độ khác nhau đều đáng hoan nghênh và thật sự không dễ. Nhưng cũng cần nhìn trước, rút kinh nghiệm ngay từ chính quá trình tìm hiểu, vinh danh, đãi ngộ các nghệ nhân thế hệ cao, trung tuổi những năm qua.

Nhận diện đúng, đủ hơn về thế hệ trẻ, mới giữ gìn di sản, sẽ giúp cho việc xây dựng và triển khai chính sách, cơ chế, những hình thức hỗ trợ, khích lệ bảo tồn, duy trì, sáng tạo hoặc những hoạt động hợp tác phục vụ xã hội sao cho phù hợp với thời cuộc, với đặc điểm của thế hệ. Thí dụ như khác các nghệ nhân trước, lớp trẻ hiện nay tích cực tận dụng công nghệ thu âm, ghi hình, khai thác nhiều yếu tố mỹ thuật, hình ảnh để sản xuất các clip, MV… dân ca nhạc cổ; biết cách vận động tài trợ hoặc hợp tác xây dựng mô hình viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, đào tạo hoặc gây dựng địa chỉ cá nhân để giới thiệu di sản mỹ thuật truyền thống; biết cách khai thác thế mạnh của báo chí, mạng xã hội để thu hút công chúng, đối tác… Với những nét mới và hiện đại như vậy, ngành văn hóa, đơn vị, tổ chức nghệ thuật hay mọi cơ quan, đối tác liên quan, cần có chính sách, cơ chế mới, hay cách thức tương tác, hợp tác phù hợp, phát huy tốt được tâm huyết, sức trẻ và ý tưởng, năng lực sáng tạo của những người trẻ.

Nghệ nhân trẻ - Anh là ai? ảnh 2

Nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung từng có thời gian gắn bó với việc phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức- Hà Nội).

Tất nhiên, nếu nói và bàn về lớp người mới đang được gọi là nghệ nhân trẻ với nhiều những câu hỏi đặt ra để có những chính sách, cơ chế, cách ứng xử phù hợp, thì cũng không thể quên được một thực tế là công tác tôn vinh, đãi ngộ lớp nghệ nhân trung tuổi, cao tuổi vẫn còn có nhiều điểm cần cải thiện, bổ sung. Trong đó, ngoài các tiêu chuẩn ưu đãi về phụ cấp, khám chữa bệnh đã được quan tâm, cũng như sự hỗ trợ một phần phương tiện, thiết bị làm việc, thì việc cần kíp là xây dựng, lưu trữ hệ thống tư liệu về kỹ năng, bí quyết, kinh nghiệm, tri thức hay tác phẩm mà nghệ nhân nắm giữ. Đó là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ lâu dài cho các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu, đào tạo, truyền thông, quảng bá, du lịch… Đồng thời, tạo điều kiện nhiều hơn cho các nghệ nhân được phát huy năng lực của mình vào hoạt động trình diễn, nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ đời sống văn hóa rộng rãi. Đó mới là ý nghĩa nhân văn và thiết thực hơn cả trong việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân - những người nắm giữ hồn dân tộc. Về mục đích tiếp nối, trao truyền, đó cũng chính là việc tạo dựng nền tảng, cung cấp nguồn “nguyên vật liệu” chân thực, sinh động cho những người trẻ, và mới khi gia nhập vào đội ngũ những người sống cùng di sản, gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản văn hóa của đất nước.