Văn hóa và đạo đức

Một tấm lòng thơm thảo

Từ ngày được nhận vào làm ở quán cơm của cô Ngân trên phố, Mây dậy từ sớm tinh mơ đạp xe đi làm. Tối đến, khi quán đã đóng cửa, chị lại thu dọn đồ ăn thừa vương vãi mang về để nuôi lợn, gà.

Vì bận việc ở quán, cho nên hai đứa con chị tuy còn nhỏ, song cũng biết tự lo cơm nước bữa trưa trước khi đi học. Gia cảnh của Mây khá éo le, vợ chồng chia tay nhau đã hai năm nay, một mình chị phải bươn chải nuôi cả hai đứa con thơ dại. Từ ngày được nhận vào làm phụ việc, dọn dẹp tại quán cơm, do chăm chỉ, thỉnh thoảng chị lại được cô chủ quán thưởng thêm, cho nên cuộc sống của ba mẹ con cũng đỡ túng thiếu. Quán đông người ăn vì chủ yếu phục vụ cơm bình dân cho người lao động và sinh viên ở những trường đại học gần đó. Cũng vì bận việc, Mây thường cặm cụi dọn dẹp cho tới quá trưa, đến khi vãn việc mới có thời gian ngồi nghỉ ăn cơm.

Chiều hôm đó, cơm nước xong, Mây nhanh tay dọn rửa bát đũa, rồi vội vã dắt xe ra về. Nhưng vừa đi được dăm bước, chị bỗng nghe cô Ngân gọi giật lại: “Cháu mở túi ra để cô kiểm tra!”. Nghe chủ quán ra lệnh, Mây ngơ ngác không hiểu đã xảy ra chuyện gì, chị lẳng lặng cởi nút chiếc túi đã chằng buộc kỹ càng trên xe. Khi miệng túi vừa lộ ra, cô Ngân cầm hộp cơm xếp gọn gàng bọc trong lần túi ni-lông giơ lên cho mọi người đứng chung quanh xem, rồi riết róng với chị: “Cô đã để ý ngay từ lúc cháu xếp hộp cơm vào túi. Thật là quá quắt. Nếu muốn, cứ bảo cô một tiếng chứ ai lại đi làm cái chuyện gian dối như vậy! Thôi, từ ngày mai nghỉ việc nhé”. Cũng chẳng để Mây kịp nói gì, cô Ngân quay ngoắt đi vào nhà trong để mặc chị cố vớt vát thanh minh.

Mấy bữa sau, lúc cô Ngân ngồi tính toán sổ sách cuối buổi bán hàng thì một bà lão trong dáng vẻ nghèo khó lập bập bước vào quán, ngó nghiêng như có ý tìm ai. Tưởng là người hành khất qua đường, cô Ngân nói anh Toán bê một hộp cơm nhỏ ra cho, nhưng bà lão xua tay lắc đầu quầy quậy và hỏi gặp chủ quán. Bà ngồi xuống ghế giới thiệu mình là hàng xóm của nhà chị Mây giúp việc cho quán trước đây và thường xuyên được chị giúp đỡ suốt thời gian qua. Gần đây, thời tiết thất thường, không khí ô nhiễm, căn bệnh hen suyễn của bà có phần nặng thêm khiến bà gần như nằm bẹp một chỗ. Biết hoàn cảnh bà chỉ có một mình, Mây tất tả chạy qua, chạy lại hỏi han, chăm sóc. Hết buổi làm ở quán, chị thường dành lại nửa suất cơm buổi trưa của mình để về biếu bà mà bị oan là lấy của quán. Hôm qua, nghe một người họ hàng kể lại chuyện Mây bị đuổi việc vì tưởng lấy cơm của quán, cho nên bà lần mò hỏi thăm đến thanh minh gỡ tiếng oan cho chị.

Nghe xong câu chuyện của bà cụ, cô Ngân mới vỡ lẽ về chuyện hộp cơm hôm nọ. Ngay chiều hôm đó, cô nói cậu giúp việc đèo về khu xóm nghèo ngoại ô để tìm, xin lỗi Mây vì đã hiểu lầm và mời chị trở lại làm việc. Cô bảo với mọi người, một tấm lòng thơm thảo như vậy thì thật đáng trân trọng.