Liên hoan phim Việt Nam: Cần chuyên nghiệp hơn

NDO -

Kể từ năm 1970 đến nay, Liên hoan phim Việt Nam (LHP) đã trải qua 21 kỳ liên hoan, với nhiều dấu ấn lưu lại nền điện ảnh Việt Nam. Là sự kiện điện ảnh uy tín, chất lượng, nhưng sức lan tỏa và mức độ phổ biến còn chưa cao, điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng LHP Việt Nam cần có những thay đổi để trở nên chuyên nghiệp hơn, trở thành thương hiệu Quốc gia. 

Các nghệ sĩ tại LHP Việt Nam lần thứ 17 tổ chức ở Phú Yên.
Các nghệ sĩ tại LHP Việt Nam lần thứ 17 tổ chức ở Phú Yên.

Cần có một thương hiệu LHP mang tầm Quốc gia

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Liên hoan phim Việt Nam song hành trong suốt hơn 60 năm hình thành và phát triển của nền điện ảnh Việt, không chỉ là dịp đánh giá, ghi nhận những thành tựu sáng tạo trong nghệ thuạt điện ảnh, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi giữa khán giả, nhà làm phim, nhà sản xuất, phát hành với nhau, mà còn là dịp giới thiệu những thắng cảnh, nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam với công chúng, từ đó thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch. 

Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển cũng như những thách thức đối với điện ảnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi LHP Việt Nam cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia, được xây dựng một cách bài bản, chuyên nghiệp, khoa học, đáp ứng được yêu cầu thời kỳ mới của đất nước. 

Để thực hiện điều này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan phim Việt Nam” với mục tiêu xây dựng, quảng bá, nâng tầm và phát triển LHP Việt Nam chính thức trở thành thương hiệu Quốc gia, thu hút không chỉ công chúng trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế về điện ảnh, đất nước và con người Việt Nam.

Cần quảng bá xứng tầm

Việc nâng tầm LHP Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia đã thu hút nhiều những ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ, chuyên gia trong ngành điện ảnh và văn hóa, trong đó nhiều người từng có kinh nghiệm trong việc tổ chức hoặc tham gia các LHP trong và ngoài nước. 

Liên hoan phim Việt Nam: Cần chuyên nghiệp hơn -0
 Khán giả là học sinh các trường đến xem phim tại LHP Việt Nam 17.

Một trong số đó là nhà làm phim Lương Đình Dũng với “Cha cõng con” nổi đình đám cách đây mấy năm. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng có bề dày kinh nghiệm tham gia các LHP nước ngoài trong nhiều năm qua, và một trong những nội dung anh đề cập đến là việc quảng bá LHP. Anh cho rằng hiện nay đang là thời buổi kinh tế hình ảnh, việc quảng bá vô cùng quan trọng và phải gắn liền với kinh tế hình ảnh. Nếu quảng bá tốt, việc đưa phim ra nước ngoài sẽ đem lại lợi nhuận rất cao. Đạo diễn lấy thí dụ bộ phim “Ký sinh trùng” của điện ảnh Hàn Quốc từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, có sức lan tỏa lớn bởi chiến dịch quảng bá tốt, cho nên doanh số đem lại “còn lớn hơn cả của một tập đoàn”.

Chung ý kiến này, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cho rằng, LHP Việt Nam rơi vào tình trạng bị mặc định coi là nặng về tuyên truyền, khô cứng, phim đoạt giải hầu hết là phim Nhà nước hoặc phim tuyên truyền, trong khi thực tế cho thấy nhiều năm trở lại đây, hầu hết là những bộ phim do tư nhân đầu tư đoạt giải, như “Hoa vàng trên cỏ xanh”, “Song Lang”, “Em chưa 18”… Đây cũng là những bộ phim hút khách ngoài rạp, như trường hợp của “Hoa vàng trên cỏ xanh” từng giành kỷ lục theo thời điểm đó về doanh thu vé rạp.

Liên hoan phim Việt Nam: Cần chuyên nghiệp hơn -0
 Khán giả tại một buổi giao lưu với nghệ sĩ tại LHP lần thứ 16, diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ: “Công tác quảng bá cho các kỳ LHP quá ngắn, chỉ khoảng một tháng trước khi sự kiện diễn ra. Cũng như phim nếu như chỉ được PR trước vài tuần trước khi chiếu thì khó hiệu quả như phim được quảng bá liên tục ngay từ khi bắt đầu dự án”. Anh cho rằng, gần đây các phim của Đài Truyền hình Việt Nam thu hút được rất nhiều sự chú ý của công chúng, bởi họ có chiến dịch quảng bá rất tốt, có cả một đội ngũ cho việc này, song song với việc chạy thông tin trên khắp các trang mạng xã hội, app riêng. Ngoài ra họ cũng áp dụng phương pháp song hành cùng khán giả, lắng nghe ý kiến khán giả và thậm chí làm kịch bản theo ý khán giả… “Phải có những chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0” – anh nói.

Phim hay là cốt lõi

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của một LHP là phim phải hay. Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng chia sẻ: “Nếu LHP không có phim hay thì không thể quảng bá được. Chúng ta đã từng có những kỳ LHP không có giải vàng, vì phim không đủ chất lượng. Chính vì thế, cần phải tạo ra số lượng phim hay, nếu không thì tiền đổ vào truyền thông không có tác dụng”. Đạo diễn cho rằng, một bộ phim hay, sẽ tạo dư âm và tác động, ảnh hưởng đối với môi trường truyền thông rất lớn mà chi phí quảng bá lại rất thấp. Nếu chúng ta có sự hỗ trợ, mời được các nhà là phim lớn, đặc biệt nếu họ gửi được các phim lớn đến tham dự hoặc công chiếu thì giá trị truyền thông rất mạnh.

Nhà báo Việt Văn, một trong những người từng gắn bó nhiều năm qua các kỳ LHP Việt Nam trong nhiều vai trò cũng cho rằng, phim tham gia LHP Việt Nam cũng cần có tính hội nhập quốc tế, để khi phim đoạt giải mà có tham gia các LHP khác cũng không bị loại sớm như nhiều trường hợp trước đây.

Liên hoan phim Việt Nam: Cần chuyên nghiệp hơn -0
 Sinh viên ĐH Phú Yên chờ đón các nghệ sĩ trong buổi giao lưu tại LHP Việt Nam 17.

Bà Nguyễn Bích Phượng, Phó Giám đốc Công ty BHD, một đơn vị cũng có nhiều năm đồng hành cùng LHP Việt Nam cho rằng điện ảnh phát triển vì có người xem. Những bộ phim nước ngoài có người xem đông vì có sự lan tỏa rất lớn. Chúng ta có đầy đủ các yếu tố để xây dựng một bộ phim hay như đạo diễn, diễn viên, kịch bản…, nhưng nếu vẫn giữ cách làm lối mòn xưa cũ, không thay đổi về nội dung thì chúng ta mãi bị bó hẹp.  Mỗi ng trong nền công nghiệp điện ảnh phải tham gia từng công việc, như đạo diễn cần phải chuyển tải những hình ảnh làm cho ng ta quan tâm. “Nếu khán giả quan tâm thì các nhãn hàng cũng quan tâm và đồng hành với mình” – Bà Nguyễn Bích Phượng nói.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, phim không ổn định nghĩa là cốt lõi LHP không ổn định. Anh cho rằng, nên chăng có một quỹ của riêng LHP kết nói với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm chỉ làm khoảng năm phim chất lượng. Nếu ổn định, trong vòng mười năm, chúng ta có trong tay 50 phim tốt, song song với phát triển nhân lực, tạo việc làm, sẽ là cốt lõi để LHP phát triển.

“Phim được giải của LHP không chỉ là niềm tự hào, mà còn mang lại giá trị lớn về lợi nhuận, như tham dự các sự kiện lớn về văn hóa, điện ảnh, mang hình ảnh của Việt Nam đi quảng bá khắp nơi, đó là giá trị của chất lượng” - anh nói.