Văn hóa và đạo đức

Khi cha mẹ thiếu gương mẫu

Kết thúc buổi học cuối giờ, tiếng trống trường vang lên giòn giã, đám học trò lũ lượt ra về, chỉ còn cậu bé Quyết bị cô giáo Hân yêu cầu ở lại chờ bố mẹ tới làm việc vì tuần vừa rồi liên tục mắc lỗi.

Từ khi đi học bình thường trở lại sau chuỗi ngày dài được nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, một số cô, cậu học trò vẫn mải chơi cho nên cô giáo Hân phải vất vả kèm cặp, đôn đốc nhằm xốc lại tinh thần học tập của cả lớp. Phần đông các em tỏ ra cố gắng rõ rệt, riêng Quyết thì không như vậy. Bài tập cô giáo giao, cậu ta thường xuyên bỏ bê, bị gọi lên bảng kiểm tra miệng cũng không thuộc bài. Trong giờ giảng, Quyết liên tục rì rầm chuyện riêng hoặc hí hoáy cầm bút viết nhằng nhịt lên sách vở, mặt bàn. Cô giáo Hân cũng có vài lần gọi điện trao đổi với gia đình, song bố mẹ Quyết nuông chiều và bênh con chằm chặp. Lần này, cô quyết định gặp trực tiếp bố mẹ cậu bé.

Tiết trời trưa hè oi bức, nhưng cô giáo Hân vẫn kiên nhẫn ngồi chờ bố mẹ của Quyết. Một lúc sau, cô sốt ruột gọi điện thoại, song chỉ nghe tiếng chuông, không ai trả lời. Ðang định cho Quyết về thì bỗng một người đàn ông trung niên bước vào. Anh ta cau có vặn hỏi cô giáo Hân dồn dập: "Nắng nôi thế này, cô giữ con tôi lại làm gì? Không để sáng sớm mai được à. Cô có cao kiến gì giúp nó học tốt hơn hay chăng? Nhỡ nó đói quá mà lăn ra ngất thì sao?". Không kịp để cô giáo trả lời, người đàn ông tiếp tục buông ra những lời khó nghe: "Tôi rất bận, không có nhiều thời gian. Mà tôi nói luôn nhé, con tôi lười học là lỗi ở nhà trường. Nó đâu phải đứa mải chơi mà bởi cô giảng bài lan man, lại còn ra bài tập khó, lằng nhằng như đánh đố ấy! Cô làm thế này là đang gây áp lực cho bọn trẻ đấy!". Trước những lời quy kết trách nhiệm hồ đồ, khiếm nhã của người đàn ông, cô giáo Hân cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, nhỏ nhẹ giải thích, song anh ta tiếp tục đỏ mặt tía tai gay gắt đổ lỗi cho giáo viên, cho nhà trường. Nghe to tiếng, mấy cô giáo bên phòng Ban Giám hiệu phải đi sang nhắc nhở, nhưng người đàn ông vẫn tỏ thái độ coi thường, không chịu im tiếng. Chỉ tới khi loáng thoáng xuất hiện bóng dáng của bác bảo vệ đi lên, anh ta mới chịu ngừng nói, rồi dắt con ra về. Chỉ tội cậu bé Quyết, trong lúc người cha to tiếng gây sự với mọi người, chỉ biết cúi gằm mặt lo lắng…

Thật đáng buồn, đây là một trong những trường hợp khá phổ biến, cha mẹ học sinh đến tận trường, lớp, nơi con em mình đang học hành, rèn luyện để gây rắc rối cho các thầy giáo, cô giáo, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả giáo dục của môi trường sư phạm. Tình trạng cha mẹ học sinh thiếu hợp tác với nhà trường đã tạo ra sự bất cập, hụt hẫng trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ. Cách hành xử không đúng mực của những ông bố, bà mẹ thiếu gương mẫu như vậy thật đáng trách.