Diễn đàn Chủ nhật

Đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp ký kết chương trình đào tạo đưa di sản ca Huế vào trường học. Chương trình gồm tập huấn hát ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường THCS và dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức câu lạc bộ (CLB) ca Huế tại một số trường THCS của TP Huế.

Vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương”. (Nguồn: http://vhtt.ninhbinh.gov.vn/)
Vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương”. (Nguồn: http://vhtt.ninhbinh.gov.vn/)

Không chỉ ở Thừa Thiên - Huế, để gìn giữ, khơi dậy và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chủ trương đưa các môn nghệ thuật này vào chương trình học ngoại khóa.

Đầu năm 2019, Nhà hát Chèo Ninh Bình phối hợp Trường THCS Trương Hán Siêu (TP Ninh Bình) tổ chức biểu diễn vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương” phục vụ buổi học tập ngoại khóa cho các em học sinh. Tỉnh đoàn Thái Bình đã thực hiện đề tài nghiên cứu, đề xuất giải pháp đưa làn điệu chèo, trích đoạn chèo vào một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Tại TP Đà Nẵng, đề án đưa nghệ thuật tuồng vào học đường đang được triển khai tích cực và có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục trải nghiệm do Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP Hồ Chí Minh) phối hợp Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh thực hiện, giữa tháng 5, lần đầu học sinh của trường đã hào hứng tham gia chương trình sân khấu hóa học đường với chủ đề “Nghệ thuật hát bội”. Qua đó, các em được tìm hiểu những kiến thức cơ bản của nghệ thuật hát bội, thử một số động tác, điệu bộ trong hát bội... Ở Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam thường xuyên có những buổi biểu diễn hướng đến đối tượng học sinh để các em vừa tiếp cận, làm quen với tuồng, vừa tương tác với các nghệ sĩ, tìm hiểu về trang phục, cách hóa trang… của bộ môn nghệ thuật này.

Lâu nay, vấn đề bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc luôn gặp nhiều rào cản và thách thức. Sự xuất hiện các loại hình giải trí mới hiện đại, hấp dẫn, phù hợp thị hiếu giới trẻ, nhất là các loại hình giải trí trên in-tơ-nét khiến nghệ thuật sân khấu truyền thống ngày càng trở nên xa lạ với công chúng và thanh, thiếu niên. Việc đưa các bộ môn tuồng, chèo, hát bội, cải lương… vào trường học có ý nghĩa lớn trong nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật dân gian trong đời sống hiện nay. Nhưng trên thực tế, những bộ môn nghệ thuật cổ xưa hiện khó được giới trẻ ngày nay tiếp nhận, bởi ngôn ngữ biểu diễn mang tính ước lệ, nội dung khô cứng, thiếu hấp dẫn… Phần lớn chương trình tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống chỉ được các trường học đưa vào giảng dạy ngoại khóa, chưa được coi như môn học chính, thành tiết học thường xuyên cho nên học sinh không hào hứng khi tham gia…

Để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, cần tạo điều kiện cho các em tiếp cận nhiều hơn, hiểu được giá trị của các loại hình di sản phi vật thể này. Nhà trường cần mạnh dạn đưa nghệ thuật truyền thống vào những chương trình học chính khóa, sinh hoạt chi đoàn, chương trình tìm hiểu sân khấu hóa, thành lập các CLB trong trường, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu, trải nghiệm kết nối giữa yếu tố cũ và mới… nhằm hình thành ý thức học tập, bồi dưỡng kiến thức và khơi dậy niềm say mê đối với học sinh. Giáo viên cần nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo cách giảng dạy, thể hiện để thu hút các em thêm hào hứng tham gia.

Các đơn vị biểu diễn, tổ chức nên thường xuyên tìm tòi, đổi mới cách làm, tích cực lựa chọn, xây dựng các trích đoạn, chương trình phù hợp với lứa tuổi học đường từ những câu chuyện, nhân vật lịch sử, trích đoạn sân khấu… để trình diễn; đồng thời cần tạo ra sân chơi khuyến khích giới trẻ tương tác, trải nghiệm. Các địa phương cần coi trọng việc truyền thụ giữa các thế hệ, mời nghệ nhân truyền nghề cho lớp trẻ thông qua hình thức CLB, nhóm hoạt động cộng đồng; vừa tránh tình trạng các môn nghệ thuật truyền thống bị thất truyền, mai một, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh mở rộng kiến thức, góp phần đào tạo đội ngũ kế cận.