Diễn đàn Chủ nhật

Để mô hình thư viện tư nhân phát huy hiệu quả

Hiện nay, trên cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, trong đó 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức các thư viện của dòng họ, gia đình. Tổng số tài liệu trong các thư viện tư nhân là 519.150 bản, trung bình 4.944 bản/thư viện. Số người sử dụng thường xuyên tại thư viện tư nhân là 536.284 bạn đọc, trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm…

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cơ chế khuyến khích các thư viện công cộng luân chuyển sách báo định kỳ hằng năm để chia sẻ nguồn lực với các thư viện tư nhân; hỗ trợ thư viện tư nhân xử lý nghiệp vụ, tổ chức các dịch vụ thư viện... đã giúp nhiều thư viện tư nhân trở thành điểm luân chuyển sách của thư viện tỉnh, thư viện huyện, là cầu nối giữa thư viện công cộng với bạn đọc ở cơ sở, rút ngắn khoảng cách thông tin cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… Một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không chỉ đơn thuần là nơi phục vụ cho công chúng đọc sách báo, mà còn trang bị cho người đọc, nhất là trẻ em kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ… Nhiều thư viện đã trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; là trung tâm sinh hoạt văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống thư viện tư nhân đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Việc chưa được đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí hoạt động hằng năm không có hoặc không ổn định, nguồn tài liệu sách báo không được bổ sung thường xuyên dẫn đến nguồn lực thông tin nghèo nàn, lạc hậu... là những nguyên nhân chính khiến các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở chưa tạo được sức hấp dẫn với người dân. Bên cạnh đó, có tình trạng một số địa phương chưa tạo điều kiện cho thư viện tư nhân làm thủ tục đăng ký, triển khai các hoạt động phục vụ; tại một số địa phương, thư viện được xây mới nhưng bố trí ở xa khu dân cư, không thuận lợi cho người dân đến đọc sách, báo... cho nên chưa thật sự hấp dẫn và thu hút bạn đọc. Nhiều thư viện tư nhân được thành lập do niềm đam mê sách của cá nhân, khi chuyển giao cho cháu con trong dòng họ tiếp quản, nhiều người không tha thiết, duy trì không đều đặn dẫn đến một số thư viện tư nhân hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả rồi ngưng hoạt động… Đội ngũ nhân viên thư viện tư nhân phần lớn kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế cho nên việc quản lý thư viện và tổ chức phục vụ bạn đọc chưa tốt, chưa biết cách tạo ra các sản phẩm thông tin thư viện phục vụ người đọc và kích thích nhu cầu đọc của giới trẻ. Trong khi các loại hình giải trí do công nghệ tạo ra, hàng loạt các trò chơi hấp dẫn trên in-tơ-nét thu hút khiến phần lớn giới trẻ không đam mê tìm hiểu và quay lưng lại với việc đọc sách…

Có thể thấy, sau 10 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, hệ thống thư viện tư nhân đã phát triển trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. Để thư viện tư nhân duy trì và phát triển bền vững, cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 02/2009/NĐ-CP một cách cụ thể; thực hiện thường xuyên việc chia sẻ nguồn lực, luân chuyển sách báo định kỳ của các thư viện công cộng với các thư viện tư nhân, để bảo đảm nguồn sách mới cho thư viện tư nhân. Trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã đề cập nội dung tập trung đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình; hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách... Bởi vậy, Nhà nước cần bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thư viện và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng để thư viện tư nhân phát triển đúng hướng. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho thư viện tư nhân, như: bổ sung tài liệu, bồi dưỡng miễn phí kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho những người tham gia hoạt động thư viện tư nhân; cử cán bộ thư viện được đào tạo chuyên môn giúp đỡ người phụ trách thư viện tư nhân; có chính sách và cơ chế phù hợp để phát huy những ưu thế của thư viện tư nhân, kịp thời khen thưởng, biểu dương kịp thời những mô hình thư viện tư nhân và cơ sở có nhiều thành tích hoạt động phục vụ sách báo cộng đồng... Các thư viện công cộng cần kết hợp thư viện tư nhân tổ chức các hoạt động quyên góp và luân chuyển sách báo nhằm tăng cường nguồn lực thông tin cho các thư viện tư nhân; có thể kết nối in-tơ-nét để trao đổi thông tin giữa thư viện công cộng và thư viện tư nhân... Việc sớm ban hành Luật Thư viện (trong đó có các quy định liên quan thư viện tư nhân, thư viện cơ sở) được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động thư viện tư nhân thiết thực và hiệu quả hơn.