Chấm dứt tình trạng loạn danh hiệu

Những ngày qua, thông tin về việc Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam được bầu làm Phó trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam thuộc Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) thu hút sự chú ý và mối quan tâm từ dư luận. Một lần nữa, công chúng lại phải giật mình vì sự xuất hiện của một danh hiệu lạ lùng đến khó hiểu.

Càng ngỡ ngàng hơn khi biết tên gọi này được thai nghén từ một chương trình đã diễn ra từ năm trước với sự ra đời của hàng loạt danh hiệu khác cũng chói tai không kém như: Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam ngành thực phẩm, Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam lĩnh vực tài nguyên môi trường, Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam ngành thép... Chỉ cần nghe những danh xưng kêu hơn chuông này, không ít người coi là chuyện tiếu lâm thời hiện đại. Câu chuyện loạn vinh danh vốn đã ì xèo vài năm gần đây lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cư dân và cộng đồng mạng.

Có lẽ, hiếm nơi nào mà có nhiều cuộc thi được tổ chức để lựa chọn ra các nữ hoàng, nam vương, ông hoàng, bà hoàng, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp như ở nước ta. Sự bùng nổ các cuộc thi ở nhiều lĩnh vực mà phần lớn là nhan sắc khiến số lượng các danh hiệu cứ thế tăng lên vô tội vạ. Từ cấp quốc gia, cấp vùng đến tỉnh, thành, ngành, hội; từ quý bà đến quý ông; từ người còn son đến người đã lập gia đình; từ người thường đến doanh nhân... Đối tượng nào cũng có thể trở thành ứng viên để trao vương miện. Các cuộc thi được tổ chức với nội dung và kịch bản na ná nhau với sự xuất hiện ngày càng nhiều các danh hiệu không chỉ dẫn đến tình trạng loạn vinh danh mà còn nguy hiểm hơn khi tạo ra những giá trị ảo, làm suy giảm ý nghĩa đích thực của giải thưởng, đánh mất niềm tin của công chúng vào tính thiêng liêng của danh hiệu vốn chỉ dành cho những người thật xứng đáng.

Lý giải về sự xuất hiện như nấm mọc sau mưa của những cuộc thi được xếp vào hạng “ao làng” thời gian qua, nhiều người cho rằng bởi đây là sân chơi có khả năng mang đến nhiều lợi nhuận hữu hình, vô hình cho cả đơn vị tổ chức và người tham dự. Với thí sinh, danh hiệu đạt được trong mỗi kỳ thi tựa thứ đồ trang sức giúp họ đánh bóng hình ảnh, là bàn đạp mang lại nhiều cơ hội đổi đời. Còn với ban tổ chức, ấy cũng là mảnh đất giúp mang đến nguồn thu không nhỏ từ quá trình huy động tài trợ và đóng góp của chính những người dự giải. Vì lẽ đó, đấu trường danh hiệu dường như chưa lúc nào hết “nóng”. Chẳng cần có kinh nghiệm hay vị thế lớn, ngay cả những đơn vị truyền thông ít người biết đến hay công ty kinh doanh ở lĩnh vực không hề liên quan cũng có thể tổ chức những cuộc thi để trao các danh hiệu. Thế nên mới có những chuyện khôi hài xảy ra như: một cuộc thi chỉ hơn 30 thí sinh đăng ký nhưng có tới hơn 20 hạng mục giải thưởng đi kèm; hay khi gửi giấy mời tham dự, ban tổ chức chương trình không quên đính kèm bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện quy định các mức phí khác nhau đối với cá nhân được vinh danh...

Thông thường, việc tôn vinh một cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội là điều cần thiết. Bởi sự động viên, khen thưởng đúng lúc, đúng chỗ sẽ góp phần khuyến khích, lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội. Nhưng tôn vinh cần đúng quy trình, quy định của pháp luật và không thể thực hiện một cách vô tội vạ. Trên thực tế, có những cuộc thi khi xin giấy phép chỉ mượn danh nghĩa biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang hay lễ tôn vinh, tuyên dương để dễ qua vòng kiểm soát hồ sơ của các cơ quan chức năng nhưng thực chất của các cuộc thi này là chỉ để tổ chức thi và trao danh hiệu hòng trục lợi. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn hoạt động quản lý nhà nước, nhất là khâu cấp phép tổ chức chương trình, sự kiện. Công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau sự kiện phải sâu sát hơn nữa để kịp thời phát hiện những vi phạm nảy sinh, tránh để tình trạng chạy theo gỡ rối như thời gian qua. Khi xử lý vi phạm, cần có biện pháp quyết liệt, đủ mạnh để tạo tính răn đe, nhất là với những tổ chức, cá nhân có biểu hiện lặp lại vi phạm. Về phía những trường hợp được các đơn vị đề xuất vinh danh, cũng cần có sự tỉnh táo, thận trọng trước khi đăng ký tham gia để không trở thành nạn nhân của những danh hiệu vô duyên, nhảm nhí, không được cộng đồng xã hội thừa nhận.