Mong manh bảo tồn di sản

Bài 1 - Trùng tu di tích: Cần những cây cầu nối

NDO -

NDĐT – Bảo tồn di sản là một chặng đường dài, muốn thành công phải có sự tham gia của nhiều phía, từ chính quyền, nhà quản lý, các chuyên gia, cho đến cộng đồng dân cư bản địa. Những thí dụ về bảo tồn di sản ở khắp nơi trong cả nước đã minh chứng rất rõ cho điều này.

Đình Văn Xá (Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam) bị sơn đỏ một số cấu kiện gỗ. Ảnh: HÀ PHƯƠNG
Đình Văn Xá (Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam) bị sơn đỏ một số cấu kiện gỗ. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Hàng chục nghìn di tích, trong đó nhiều di tích được xếp hạng trên khắp cả nước có sự tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào những chủ sở hữu là cộng đồng cư dân địa phương. Nhu cầu trùng tu, sửa sang di tích ở nhiều nơi là có thật, nhưng làm thế nào để thực sự trùng tu và sửa sang không làm tổn hại đến giá trị của di tích và theo quy định của Luật Di sản, rất cần đến sự kết nối giữa địa phương và những chuyên gia trong ngành.

Từ những kiến trúc đẹp trở thành quá vãng

Đình Lương Xá (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) là ngôi đình có tuổi đời hơn 300 năm, sở hữu những mảng chạm gỗ tuyệt đẹp, chứa đựng tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc đình làng Việt ở Bắc Bộ, với những mảng chạm cánh gà mà theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình là rất hiếm.

Bài 1 - Trùng tu di tích: Cần những cây cầu nối ảnh 1

Đình Lương Xá bị hạ giải và thay toàn bộ hệ thống mái, cột bằng bê tông. Ảnh: NGUYỄN HOÀI NAM

Tháng 8-2018, ngôi đình đã bị hạ giải và toan xây mới bằng công trình bê tông cốt thép. Khi được phát hiện, toàn bộ phần mái gỗ với các mảng chạm vô cùng tinh xảo đã bị thay thế bằng kết cấu bê tông, bộ vì và cột đã được đổ bê tông và phần mái đang được thay thế. Kiến trúc cũ của đình là kiến trúc gỗ, với những chi tiết cấu kiện, mảng chạm bằng gỗ, được tập kết một chỗ tại sân đình và nhà kho của thôn Lương Xá.

Mới đây, tháng 5-2019, đình Văn Xá (xã Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam) cũng gần như chịu chung số phận, khi toàn bộ phần kết cấu gỗ đã bị sơn bằng lớp sơn công nghiệp đỏ chói lọi, làm mất đi sự tinh tế, tinh xảo của những mảng chạm khắc trên bộ vì kèo. Việc trùng tu, sơn lại này cũng chỉ bị phát hiện ra phần kết cấu gỗ đã bị sơn xong.

Đối với những công trình đã bị trùng tu sai lệch này, việc khắc phục và hoàn trả lại tình trạng như cũ gần như là không thể. Với đình Lương Xá, cột kèo và vì mái đã đổ bê tông xong, không thể lắp các cấu kiện gỗ và các mảng chạm vào các cấu kiện bê tông này. Còn với đình Văn Xá, sơn công nghiệp có thể phai mờ theo thời gian, nhưng vẻ đẹp tinh tế của các mảng chạm thì không thể lấy lại được, cho dù có khắc phục cách nào.

Bài 1 - Trùng tu di tích: Cần những cây cầu nối ảnh 2

Những cấu kiện gỗ, mảng chạm rất đẹp của đình Lương Xá bị cưa ngắn và vứt lăn lóc dưới đất. Ảnh: NGUYỄN HOÀI NAM

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều di tích nằm rải rác trong cộng đồng, chịu sự quản lý của cộng đồng và “sống mãi” hay “tái sinh” trong một vẻ ngoài khác hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay cộng đồng. Hai công trình kể trên, khi quyết định trùng tu hay sơn lại đều do quyết định của cộng đồng địa phương. Và dĩ nhiên, khi nhu cầu của cộng đồng cần một công trình mới, khang trang, to đẹp, phục vụ được những nhu cầu mới của cư dân hiện đại, trong khi chưa hiểu, chưa nắm rõ được những giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa của ngôi đình, chùa ở làng mình, thì việc thay thế chỉ còn là thời gian.

Vai trò của chuyên gia

May mắn, có những công trình không phải chịu chung số phận như vậy.

Chùa Thái Dương (xã Hưng Công, huyện Bình Lục, Hà Nam) là ngôi chùa có niên đại từ thế kỷ XVII – XVIII, mang đầy đủ những tinh hoa của nghệ thuật dân gian Việt Nam, thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, phong cách kiến trúc đặc trưng cùng với không gian hài hòa gắn liền với cuộc sống của những người dân làng Hưng Công.

Bài 1 - Trùng tu di tích: Cần những cây cầu nối ảnh 3

Chùa Thái Dương xuống cấp nghiêm trọng năm 2015. Ảnh: Báo Xây dựng.

Ngôi chùa gần như bị bỏ quên và xuống cấp nghiêm trọng do tác động của thiên nhiên, chiến tranh, của thời gian. Mái cũ nát, ngói xô lệch, hệ thống cột và vì kèo mối mọt, tường ẩm mốc, nhiều chỗ hoa văn, họa tiết điêu khắc trên gỗ đã bị ăn mòn… Chùa có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Người dân trong làng đã có ý muốn góp tiền lại phá bỏ chùa cũ để xây chùa mới khang trang hơn.

Năm 2015, nhóm họa sĩ, kiến trúc sư thiện nguyện do họa sĩ Bùi Hoài Mai dẫn đầu đã đến thăm, vãn cảnh chùa Thái Dương. Qua nghiên cứu phong cách kiến trúc và các chi tiết trang trí, chạm trổ, các họa sĩ cho rằng ngôi chùa cổ có niên đại khoảng cuối thế kỷ 17, thời Mạc, và được tu bổ vào khoảng thế kỷ 18, 19. Nhóm họa sĩ, kiến trúc sư đã tư vấn cho người dân ở đây để trùng tu những phần xuống cấp, sửa chữa những phần hư hỏng chứ không phải phá bỏ chùa. Sau khi nghe ý kiến của các kiến trúc sư, họa sĩ, người dân xã Hưng Công đã họp bàn và quyết định sẽ cùng nhau tìm cách trùng tu chứ không xây chùa mới nữa.

Đình Trần Đăng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cũng là một trường hợp tương tự. Đình được xây dựng từ đời Trần, thờ tướng quân Cao Lỗ, có 19 sắc phong. Đình có kiến trúc chữ Công, có bảy gian, rộng 273m2 trong đó đại bái rộng 173m2, được xây trên một khu đất hình con rùa, xung quanh là ao nước, cây cầu tượng trưng cho cổ và đầu của con rùa trong truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Cách cầu khoảng 30m là một giếng làng, tháp chuông, chùa Trần Đăng và cổng làng. Đình hội tụ cả các yếu tố dân gian, huyền thoại, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, trang trí gốm sứ và điêu khắc.

Tuy nhiên, do thời gian, chiến tranh cũng như nhiều điều kiện khách quan khác, đình Trần Đăng đã xuống cấp nặng nề, hệ thống cột và các vì kèo đã mối mọt, mục ruỗng, không ít cột bị tiêu tâm.

Bài 1 - Trùng tu di tích: Cần những cây cầu nối ảnh 4

Đầu đao mái đình Trần Đăng được giữ nguyên, và lớp ngói đã được thay thế trên cơ sở tuân thủ nguyên bản. Ảnh: KTS LÝ TRỰC DŨNG.

Năm 2009, kiến trúc sư Lý Trực Dũng nhận lời trùng tu lại đình Trần Đăng, nhưng với một đề bài rất khó, là thay thế từng chi tiết hỏng hóc, từ bẩy, cửa, mái ngói cho tới cột cái, cột quân mà không phải hạ giải đình, trong đó có một câu đầu dài hơn 4m nặng gần 1 tấn ở ngay đầu hồi. Bởi vì nếu phải hạ giải, toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm có niên đại khoảng 300 năm tuyệt đẹp vô cùng quý giá này sẽ bị phá hủy.

Nhóm của ông đã sử dụng hệ thống giằng chống, có thể đỡ được bộ mái lên tới 18 tấn để thay thế các phần bị hỏng hóc. Sau một thời gian thi công, việc trùng tu công trình đã hoàn thành, bảo đảm sự tồn tại tính nguyên gốc di tích, hạn chế tối đa sự can thiệp vào di tích, ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo; tôn trọng quyết định của chủ thể di sản.

Bài 1 - Trùng tu di tích: Cần những cây cầu nối ảnh 5

Nhóm thợ lành nghề của KTS Lý Trực Dũng đang xử lý các cột gỗ bị mục ruỗng, tiêu tâm.

Đó là những di tích may mắn. Vấn đề được đặt ra là, làm thế nào để người dân biết đến và kết nối được với các chuyên gia chuyên về trùng tu, mỹ thuật, kiến trúc để phục vụ cho việc gìn giữ di sản của quê hương mình? Việc này cần đến bàn tay của nhà quản lý, từ địa phương trở lên, và những trái tim thực sự tâm huyết với những giá trị văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc quý giá của quê hương. Và đó vẫn là câu trả lời bỏ ngỏ cho các bên liên quan.

(Còn tiếp)