Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Một thông tin rất đáng suy nghĩ vừa được GS, TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu, Giáo dục môi trường và phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ tư về Môi trường và phát triển bền vững mới đây, là: Tất cả các doanh nghiệp được vinh danh tại Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức, suốt bốn năm qua, đều vững vàng vượt qua được “bão” Covid-19.

Ðây là danh hiệu dành cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD xây dựng, dành riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam, với thước đo dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội.

Thực tế này cho thấy, khi các yếu tố về môi trường, phát triển bền vững được chú trọng và đặt đúng vị trí, tầm mức, thì sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển, trong cả lĩnh vực kinh tế, cũng như đời sống xã hội, và văn hóa. Với một thách thức chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19, sự vững vàng của các doanh nghiệp chú trọng mục tiêu phát triển bền vững trong “phép thử” nghiệt ngã này đã cho thấy xu hướng phát triển tất yếu mà các doanh nghiệp, và cả các lĩnh vực khác cần tìm hiểu, nếu muốn tồn tại và vượt lên.

Nhìn trên bình diện quốc gia, sau hơn 30 năm đổi mới và thực hành phát triển bền vững, Việt Nam được đánh giá là đã đạt được những thành tựu quan trọng, thay đổi diện mạo đất nước, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và phát triển bền vững, những thành tựu phát triển đó chủ yếu được ghi nhận theo chiều rộng, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lợi thế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ như hiện nay đang chạm mức giới hạn. Hệ lụy là càng phát triển, càng làm suy giảm, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, môi trường.

Trong bối cảnh đó, phát triển xanh/ phát triển hợp sinh thái đang là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn, nhằm duy trì sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, và được các nhà khoa học khuyến nghị nên áp dụng ở Việt Nam, càng sớm càng tốt. Cùng với nỗ lực tăng cường thể chế, chính sách nói chung về phát triển bền vững và về phát triển xanh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nói riêng, cần chú trọng xây dựng, triển khai các mô hình sinh thái xanh, khuyến khích thực hành lối sống xanh, theo tư duy sinh thái, đạo đức sinh thái và tiếp cận sinh thái; tích hợp, lồng ghép khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường vào công tác lập kế hoạch phát triển; chú trọng phát triển ngành năng lượng đa dạng, sạch và an toàn. Và cần nỗ lực nâng cao nhận thức xã hội cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển xanh.

Đó là con đường bền vững để đưa đất nước phát triển, vững vàng vượt qua những thách thức ngày càng phi truyền thống.