Vẫn chuyện “biết rồi... khổ lắm”

Chất lượng không khí tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tuần qua có dấu hiệu ô nhiễm trở lại, gây hại cho sức khỏe người dân. Điều đáng nói, chất lượng không khí xấu đi sau một thời gian ngắn đã được cải thiện.

Còn nhớ, ở thời điểm năm 2019, có lúc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được Tổ chức Giám sát chất lượng không khí Air Visual xếp vào tốp thành phố có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ô nhiễm hàng đầu thế giới. Tình hình sau đó đã được cải thiện khi các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường như kiểm tra hoạt động phòng ngừa, giám sát, xử lý nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, rà soát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT)… Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, đợt quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị lớn từ đầu năm đến cuối quý III-2020 đều cho thấy xu hướng thông số cải thiện so cùng kỳ năm 2019, với bụi mịn PM2.5 nằm trong giới hạn cho phép, số ngày có AQI mức tốt và trung bình từng tháng cũng cao hơn.
 
 Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rõ ràng, kết quả phần nào có được còn bởi trong bối cảnh các đô thị thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19, số lượng phương tiện giao thông trên đường bị hạn chế, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất… giảm hoặc ngừng hoạt động làm hạn chế nguồn phát thải ra môi trường. Cùng với đó, từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa, chất ô nhiễm trong không khí khuếch tán nhờ gió, lượng bụi lơ lửng được rửa trôi bởi mưa.
 
 Như vậy, có thể thấy, kết quả đạt được nói trên dù rất đáng khích lệ nhưng chưa mang tính bền vững. Và tình thế đã sớm đảo chiều khi mà chỉ số ô nhiễm lại đáng báo động ở nhiều khu vực. Cụ thể, tại Hà Nội, chất lượng không khí đi xuống, nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng dần; liên tiếp từ ngày 5 đến 7-11, chỉ số AQI tại một số trạm vượt giá trị 200. Cũng trong tuần đầu tháng 11, chỉ số chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh liên tục xấu và kém, AQI có nơi, có thời điểm lên tới 199.
 
 Lý giải cho tình trạng ô nhiễm không khí trở lại, có phân tích chỉ ra, đó là do cả nước bước sang giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đồng nghĩa mọi hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng… tại các tỉnh, thành phố trên cả nước về cơ bản phục hồi trở lại đều là nguồn phát sinh bụi và khí thải vào môi trường không khí. Thêm vào đó, vào mùa đông, nền nhiệt thấp, ít ánh sáng, ít mưa, những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao, mà lơ lửng ở tầng thấp làm chất lượng không khí xấu nghiêm trọng.
 
 Dựa vào nguyên nhân nói trên, đã có nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, sẽ rất khó cải thiện chất lượng không khí nếu chỉ trông chờ thời tiết hay các tác động do khách quan. Bởi suy đến cùng thì thời tiết hay yếu tố khách quan như việc phòng, chống Covid-19 không phải là nguyên nhân thực chất khiến chất lượng không khí tốt lên hay xấu đi.
 
 Cải thiện chất lượng không khí không thể là việc trong một sớm một chiều. Nhưng trước tiên, cần có sự thay đổi trong nhận thức của các bộ, ngành liên quan, của chính quyền địa phương cũng như nhận thức của người dân về thực trạng ô nhiễm và nguyên nhân; trên cơ sở pháp luật về BVMT, xây dựng kế hoạch tổng thể cải thiện chất lượng không khí của cả nước, kế hoạch cụ thể từng vùng miền, địa phương, góp phần để thành quả đạt được thật sự bền vững.