Từ một sáng kiến

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11-2020, Thủ tướng Chính phủ đề xuất sáng kiến trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo sáng kiến ấy và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dịp Tết Tân Sửu 2021, các bộ, ngành, địa phương tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", đặt chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần, và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp hai lần so kết quả thực hiện năm 2020.

Sang tháng 4-2021, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với vai trò là cơ quan thường trực, phối hợp các bộ, ngành liên quan và địa phương khẩn trương thúc đẩy Ðề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" trên cơ sở được phê duyệt tại Quyết định số 524/QÐ-TTg (QÐ524). Theo QÐ524, đến hết năm 2025, cả nước đặt mục tiêu trồng mới một tỷ cây xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển bền vững.

Nhiệm vụ đặt ra rất cụ thể. Có 690 triệu cây trồng phân tán ở đô thị và nông thôn, tương ứng trồng bình quân 138 triệu cây/năm; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương, vùng, miền; xác định rõ từng địa điểm trồng ở đô thị và nông thôn. Với 310 triệu cây trồng trong rừng tập trung, QÐ524 nêu rõ là tương đương 180 nghìn ha rừng trồng tập trung, bình quân trồng 36 nghìn ha rừng/năm; đặt ra yêu cầu về loài cây trồng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; quy định địa điểm trồng ở từng loại đất rừng…

Cùng với đó, nhằm quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đối với ngành lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam và Nghị định số 27/2021/NÐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp của Chính phủ sẽ góp phần thực hiện thành công Ðề án trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025…

Nói vậy để thấy sáng kiến trồng một tỷ cây xanh được bắt nguồn từ tính toán kỹ càng trước khi đề xuất tại Quốc hội trong bối cảnh phải đáp ứng yêu cầu cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, trước yêu cầu cần giải pháp mang tính bền vững để ứng phó hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng khốc liệt hơn, cực đoan hơn. Và bởi vậy, từ trước khi đề án được thông qua, được quy định bằng văn bản chính thức, sáng kiến nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương.

Quãng thời gian từ đề xuất sáng kiến tới hình thành đề án không dài, nhưng khi được ký ban hành, QÐ524 cụ thể hóa từng chi tiết và rất rõ nét. Cùng với QÐ524, các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn, kế hoạch gắn với thẩm quyền của mỗi bộ, ngành, địa phương đã và đang được triển khai sẽ có tác động tích cực tới việc thực hiện mục tiêu đề án.

Có thể thấy, chúng ta có điều kiện thuận lợi để triển khai đề án. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung cơ chế và chính sách liên quan đất đai, tài chính, nguồn lực, công nghệ… nhằm hỗ trợ hoạt động này. Và quan trọng hơn nữa là phải đưa Ðề án trồng một tỷ cây xanh vào cuộc sống, hình thành ý thức tự nguyện, tạo nên phong trào trồng cây, gây rừng thiết thực, hiệu quả với sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng, tránh phô trương, hình thức.