Trên hết là lợi ích người dân

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố mới đây cho hay, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt 0,704. Đây là chỉ số định lượng về sức khỏe, học vấn, thu nhập và một số yếu tố khác nhằm đánh giá tổng quát sự phát triển của một quốc gia. 

Cuối năm 2019, Việt Nam đạt HDI ở 0,693, đứng thứ 118/189  quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp đầu nhóm có HDI trung bình. Như vậy, mức mới được xác lập trong năm 2020 đưa Việt Nam đứng thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, lần đầu vào nhóm có HDI cao. Với HDI tăng 45,8% từ năm 1990 - 2019, Việt Nam nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Còn theo Báo cáo Chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so năm 2019…

Các chuyên gia LHQ thừa nhận, chỉ số của Việt Nam tăng vượt bậc bắt nguồn từ việc ưu tiên phát triển con người, thúc đẩy bình đẳng qua chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc. Quyền con người được đề cao trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, các bản Hiến pháp sau này, cũng như trong nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực. Trong suốt hành trình 35 năm ấy, đáng chú ý là năm 2020, có hai thành tựu cho thấy rõ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước coi con người là trung tâm đi vào thực tiễn và thu được hiệu quả thiết thực. Đó là công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nỗ lực phòng chống dịch bệnh, thiên tai. 

Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu phát triển bền vững. Năm 2006, nước ta hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của LHQ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm. Giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống 9,88% năm 2015. 

Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so giai đoạn trước, huy động thêm nguồn lực xã hội, ban hành chuẩn nghèo đa chiều, xác định giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận dịch vụ cơ bản. Và nước ta giảm 58,12% số hộ nghèo so tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn, tương ứng hơn sáu triệu người thoát nghèo, hơn hai triệu người thoát cận nghèo. 

Một minh chứng sống động nữa là nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước xác định sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Và khi đã kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh, Việt Nam đã có mô hình thích ứng trong “bối cảnh mới” rất phù hợp để làm sao vừa bảo đảm hiệu quả chống dịch, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Nhờ thế, nước ta trở thành hình mẫu chống dịch hiệu quả, được bạn bè quốc tế ghi nhận. 

Khi ứng phó thiên tai dồn dập, với tinh thần không để ai bị đói rét, Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tập trung tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo khắc phục hậu quả; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đất… Nhờ sự đồng tâm hiệp lực, đùm bọc, sẻ chia của cả nước, người dân địa phương bị ảnh hưởng sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống... 

Mọi con số, mọi kết quả đều bắt nguồn từ định hướng đúng cho đến hành động, việc làm thiết thực, cụ thể. Thành tựu của đất nước ta trong quá trình phát triển, biểu thị qua tăng trưởng chỉ số HDI hay chỉ số hạnh phúc,… bắt nguồn từ chính chủ trương của Đảng và Nhà nước coi con người là trung tâm, đặt lợi ích của người dân lên trên hết.