Quan trọng vẫn là ý thức

Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông (TNGT) bốn tháng đầu năm nay đều giảm. Từ ngày 15-3 đến 14-4, trên toàn quốc xảy ra 1.040 vụ TNGT, làm chết 499 người, bị thương 736 người. So một tháng trước đó, TNGT giảm cả ba tiêu chí: số vụ giảm 5,37%, số người chết giảm 2,73%, số người bị thương giảm 6,6%. So cùng kỳ năm 2019, con số giảm còn lớn hơn, số vụ giảm 26,91%, số người chết giảm 24,96%, số người bị thương giảm 29,09%.

Tình trạng trật tự an toàn giao thông đầu năm 2020 chuyển biến tích cực do nhiều yếu tố, trong đó, đầu tiên phải kể đến Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Các chính sách pháp luật này thật sự đi vào đời sống, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nhân văn và tính nghiêm minh trong xã hội, nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Sau khi Luật, Nghị định ra đời và có hiệu lực, các vụ TNGT do rượu, bia đã giảm đáng kể, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Một trong những yếu tố khác kéo giảm số vụ TNGT là Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-4, theo đó, yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội, chỉ thật sự cần thiết mới ra đường. Điều này khiến lượng phương tiện và người tham gia giao thông được duy trì ở mức thấp. Chỉ trong ba ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, số vụ TNGT giảm 41,8%, số người chết giảm 57,58%, người bị thương giảm 31,4% so ba ngày liền kề trước đó…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng, tình hình trật tự an toàn giao thông thời điểm cuối tháng 4 và tháng 5 này vẫn đáng lo ngại. Chỉ trong bốn ngày nghỉ của dịp lễ 30-4 và 1-5, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm, tăng 14.924 trường hợp so bốn ngày nghỉ lễ năm 2019, trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Lý do vì nhiều người cho rằng trong dịp lễ, lực lượng chức năng hạn chế tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nên cố tình vi phạm Luật An toàn giao thông như sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi sai phần đường.

Sau những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, hàng quán mở cửa trở lại, người dân đổ ra các quán bia, nhà hàng để xả hơi, không ít người trong số đó có tâm lý chủ quan, tự đi xe về sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Sau nghỉ lễ cũng trùng thời điểm nhiều công sở, trường học mở cửa trở lại nên lượng người, phương tiện giao thông lưu thông trên đường tham gia giao thông tăng đột biến gây ùn ứ, tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Cùng với đó, TNGT còn diễn ra ở khu vực ngoài đô thị, vùng sâu, vùng xa, do người tham gia giao thông thiếu ý thức, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện…

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông có chiều hướng phức tạp, mới đây, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc, xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Theo đó, lực lượng chức năng tập trung xử lý theo chuyên đề vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy; thường xuyên và đột xuất tuần tra lưu động trên tuyến hoặc cắm chốt tại những khu vực trọng điểm để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đua xe trái phép và tội phạm chống người thi hành công vụ; sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh...

Những biện pháp rốt ráo chắc chắn góp phần thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và kế hoạch của Bộ Công an về phòng, chống đua xe trái phép. Tuy nhiên, cùng với việc giám sát, ngăn chặn, phòng chống, lực lượng chức năng cần tuyên truyền, giải thích, nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức, đồng lòng ủng hộ và tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cũng như về an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhận thức trách nhiệm và lợi ích từ việc tuân thủ quy định pháp luật. Có như vậy, tình trạng trật tự an toàn giao thông mới có thể được cải thiện theo hướng bền vững.