Nỗ lực bình ổn giá thịt lợn

Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho hay, trong tháng 8 và đầu tháng 9, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm. So thời điểm giá đạt đỉnh vào tháng 5, hiện nay, giá lợn hơi giảm hơn 20.000 đồng/kg. Đây là dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, để đưa lợn hơi về mức giá hợp lý cần nỗ lực của các bộ, ngành và các bên liên quan.

Vào tháng 5, giá lợn hơi ở một số địa phương lập đỉnh mới khi lên tới 98.000 -  103.000 đồng/kg, cao nhất trong 20 năm qua. Tới tháng 6, 7, giá lợn hơi vẫn neo ở mức cao. Trong cả tháng 8 và đầu tháng 9, giá lợn hơi có xu hướng “hạ nhiệt”, tiệm cận mức giá 70.000 đồng/kg mà các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết hồi tháng 4 năm nay.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện tại, giá lợn hơi giảm sâu là do nhập khẩu lợn thịt, thịt lợn, sản phẩm tái đàn tăng. Trong bảy tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu gần 100.000 tấn thịt lợn các loại, tăng 223% so cùng kỳ năm 2019. Cùng thời gian, có 15 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 16.537 con lợn giống về phục vụ nhu cầu trong nước. Thời điểm cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái-lan vào Việt Nam (ngày 12-6) đến cuối tháng 8, các DN trong nước nhập khẩu hơn 100.000 con lợn thịt…

Ngoài nguyên nhân kể trên, nửa cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 trùng với tháng 7 âm lịch, là thời gian người tiêu dùng có thói quen ăn chay nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm, các thương lái cũng giảm thu mua. Chưa kể, những tháng trước đó giá thịt lợn tăng cao khiến người dân quen với việc sử dụng thực phẩm thay thế. Đồng thời, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 cũng tác động đáng kể đến sức mua…

Bảo đảm nguồn cung thịt lợn và đưa giá thịt lợn về mức hợp lý là yêu cầu cấp thiết, nhưng từ các nguyên nhân đó, có không ít ý kiến lo ngại hiện tượng giá thịt lợn giảm chỉ là tạm thời, trong thời gian ngắn. Để có thể ổn định nguồn cung trong nước, giữ thịt lợn ở mức giá ổn định, việc tăng đàn và tái đàn vẫn là lời giải chính. Song đến cuối tháng 8, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng đàn lợn cả nước mới đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hiện tại, giá lợn giống rất cao, trung bình 3,5 triệu đồng/con, cao gấp ba lần giá lợn giống trước đây. Do thiếu vốn đầu tư khi thiệt hại nặng nề vì dịch tả lợn châu Phi, không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học, môi trường,… nhiều hộ chăn nuôi hiện vẫn chưa dám mạo hiểm tái đàn. Còn hiện tượng các cấp, ngành lo ngại tái phát dịch nên chưa quyết tâm chỉ đạo tái đàn, tăng đàn. Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. Đó là còn chưa kể nông dân chưa được tạo điều kiện tiếp cận chính sách tín dụng, đất đai để tái đàn, tăng đàn, duy trì sản xuất…

Để phát triển chăn nuôi lợn trong nước, nguồn cung thực phẩm, lợi ích nhiều mặt, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục cùng các bộ, ngành tìm nguồn nhập khẩu lợn có chất lượng bảo đảm và mức giá hợp lý. Quan trọng hơn, ngành nông nghiệp cần phối hợp các địa phương hỗ trợ việc tái đàn, giảm giá con giống, hướng dẫn biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ chăn nuôi… 

Có như vậy mới bảo đảm lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng và DN trong chuỗi giá trị từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng. Giá thịt lợn liên tục tăng cao cũng là nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tháng đầu năm nay có mức tăng cao nhất trong ba năm gần đây. Bởi vậy, duy trì thịt lợn ở giá phù hợp cũng góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.