Những chốt chặn thiết yếu

Công an TP Hồ Chí Minh mới đây ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Ðiều 240 Bộ luật Hình sự liên quan một tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342). Ðây là lần đầu sai phạm trong phòng, chống Covid-19 bị xem xét xử lý hình sự.

Bệnh nhân số 1342 là tiếp viên Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) đã tiếp xúc với người mắc Covid-19 trong khu cách ly. Sau khi xét nghiệm hai lần cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, tiếp viên này về cách ly tại nhà. Thời gian đó, tiếp viên tiếp xúc trực tiếp ba người gồm mẹ đẻ và hai người bạn. Ðến cuối tháng 11, sau khi được xét nghiệm lần thứ ba, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, anh chính thức trở thành bệnh nhân 1342.

Ðiều hết sức nghiêm trọng, trong quá trình tự cách ly tại nhà, tiếp viên này đã đi học tại một trường đại học, khiến trường bị phong tỏa, sinh viên phải nghỉ học. Bệnh nhân 1342 lây nhiễm cho bệnh nhân số 1347, và từ bệnh nhân 1347 có thêm hai trường hợp khác dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân số 1348 và 1349. Bệnh nhân 1347 cũng đi nhiều nơi, có cả trung tâm tiếng Anh, quán cà-phê và quán karaoke, khiến nhiều người có nguy cơ bị lây nhiễm.

Như vậy, sau 120 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, TP Hồ Chí Minh có bốn ca mắc mới trong thời gian cuối tháng 11, đầu tháng 12. Sự việc đặt ra thử thách nặng nề đối với công tác phòng, chống, kiểm soát dịch không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà trên cả nước, khiến hàng chục nghìn người phải nghỉ học, nghỉ làm; nhiều nơi bị phong tỏa… Có không ít địa phương phải triển khai cách ly, giám sát người đến TP Hồ Chí Minh và trở về các địa phương thời gian qua.

Công an TP Hồ Chí Minh xem xét khởi tố vụ án hình sự liên quan bệnh nhân 1342 vào ngày 3-12. Trước thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm, giao Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm VNA, ra quyết định tạm đình chỉ 15 ngày với Ðoàn trưởng Ðoàn tiếp viên… Ðó là những hành động cho thấy thái độ quyết liệt chấn chỉnh việc thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19.

TP Hồ Chí Minh tính đến đầu tuần này đã tiến hành lấy mẫu 3.263 người. May mắn là toàn bộ số người thuộc diện F1 và F2 liên quan bốn bệnh nhân trên đều cho kết quả âm tính. Dù vậy, vụ việc trên cho thấy sự chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, sự thiếu ý thức, thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có nguy cơ “đổ xuống sông, xuống biển” bao nhiêu công sức trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong suốt một năm qua.

Bởi vậy, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và tiến hành khởi tố vụ án là những hành động cần thiết đối với cá nhân vi phạm, nhắc nhở toàn xã hội về ý thức chấp hành pháp luật, sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, nơi làm việc và cộng đồng. Việc điều tra toàn diện, khách quan để từ đó áp dụng chế tài đối với cá nhân vi phạm, trên tinh thần thượng tôn pháp luật là đúng đắn.

Tuy nhiên, không chỉ làm rõ mức độ sai phạm của bệnh nhân 1342, cơ quan chức năng còn cần xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan; điều tra phát hiện các khâu còn lỏng lẻo trong quản lý quy trình cách ly, trong phòng, chống dịch để kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục. “Hồi chuông cảnh báo” từ TP Hồ Chí Minh cho thấy hoạt động cách ly tại nhà chưa được kiểm soát đúng mức, bên cạnh nguyên nhân chủ quan của người được cách ly, có khả năng có kẽ hở.

Pháp luật cùng những chế tài rõ ràng là một chốt chặn thiết yếu trước nguy cơ lây lan, bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Nhưng một chốt chặn quan trọng không kém chính là tinh thần tự ý thức, trách nhiệm, sự cẩn trọng… của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị và cả cộng đồng.