Để cứu trợ đúng nơi, đúng lúc

Đợt bão lũ dồn dập suốt mấy tuần qua gây thiệt hại nặng nề. Hướng về vùng mưa lũ, đã có nhiều chương trình thiện nguyện, đóng góp gây quỹ, hoạt động trao quà, nhu yếu phẩm… do chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân tổ chức thực hiện, càng làm tỏa sáng tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. 

Bên cạnh sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong nước, nước ngoài đã ủng hộ, kêu gọi ủng hộ tiền bạc, hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm... cho người dân vùng mưa lũ. Hàng chục nghìn chuyến xe chở hàng cứu trợ tiếp tục đến với các địa phương miền trung, hàng trăm nghìn lượt tàu, thuyền, ca-nô của lực lượng chức năng được huy động để chuyển tiếp hàng cứu trợ về tận tay đồng bào nơi ngập lụt. Không ít nghệ sĩ, người của công chúng, bằng nhiều hình thức, cũng chia sẻ, đỡ đần người dân đang trong hoạn nạn. 

Trong khó khăn, nhiều sáng kiến nảy nở. Mì ăn liền lâu nay vốn là món quà phổ biến để cứu trợ khẩn cấp vì dễ sử dụng. Nhưng lần này, các đợt bão lũ liên tiếp đổ vào, mì ăn liền cũng khó đun nấu trong điều kiện lụt lội, thiếu nước sạch, mất điện dài ngày. Vì lẽ đó, nhiều nơi gói, luộc bánh chưng, cho vào túi hút chân không gửi tới vùng lũ. Món quà ấy đến tay người dùng vừa dễ ăn, vừa chắc dạ. Chưa hết, nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều cộng đồng dân cư còn nấu các suất cơm trực tiếp tặng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang sống và làm việc trong vùng thiên tai… 

Những nghĩa cử cao đẹp tiếp tục được nhân lên và lan tỏa rộng rãi. Việc nhân dân cả nước hướng về miền trung, có những hành động tự nguyện để chia sẻ, gánh vác với đồng bào hoạn nạn thể hiện rõ đạo lý “thương người như thể thương thân”. Tình nghĩa đồng bào trong những ngày qua là minh chứng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho mỗi chúng ta trước khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hoạt động cứu trợ tiến hành tự phát, không được tổ chức, quản lý, điều phối một cách chuyên nghiệp thì khó đạt hiệu quả cao và dễ nảy sinh bất cập. Một số câu hỏi được đặt ra, như, một cá nhân hoặc một nhóm thiện nguyện vào vùng thiên tai trao quà liệu có an toàn; sẽ quản lý, phân bổ ra sao khi tiền ủng hộ quá lớn; làm thế nào để hàng cứu trợ đến đúng người cần, nơi cần, tránh tình trạng người cần thì chưa có, người nhận chưa thật sự cần, hoặc nơi cần thì có ít, nơi lại thừa. Chưa kể, trong giai đoạn phục hồi, tái thiết người dân vùng bị thiên tai cần sự hỗ trợ khác với giai đoạn ứng phó khẩn cấp…

Hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là điều đáng trân trọng, song hỗ trợ đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm để phát huy hiệu quả của hoạt động hỗ trợ, giúp người dân vùng lũ bão vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống là điều cần lưu tâm. Việc phân bổ cứu trợ đến đúng địa chỉ tất nhiên cần sự giám sát của người dân song không thể thiếu vai trò đầu mối của MTTQ, đoàn thể, chính quyền, tổ chức… 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Việc điều chỉnh như vậy là cần thiết để quy định rõ ràng hơn, bảo đảm hành lang pháp lý cho người làm công việc thiện nguyện.