Cần những hành động quyết liệt

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, người đứng đầu chính phủ khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ, chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, và mới đây đã đề xuất trồng một tỷ cây xanh.

Cùng đó, trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ai mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng bị chặt phá là vi phạm, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm…

Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở nước ta ngày càng suy giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại ước tính hơn 22.800 ha, trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700 ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. Chất lượng rừng tự nhiên được đánh giá ở mức thấp, với chỉ 15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, khoảng 50% diện tích rừng tự nhiên còn lại là nghèo, nghèo kiệt.

Theo Viện Ðiều tra và Quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân là do nạn chặt phá rừng trái phép và việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác lâm sản quá mức, người dân có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ; nạn cháy rừng diễn ra ngày một phức tạp; việc quy hoạch đất rừng để xây dựng thủy điện, nhà máy, làm trang trại; sự tham gia, cấu kết, hoặc dung túng của người có trách nhiệm bảo vệ rừng với lâm tặc…

Trước tình trạng đó, từ đầu nhiệm kỳ này, chính phủ ban hành thông báo theo đó triển khai thực hiện lệnh "đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên", làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan việc làm mất rừng, cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng.  Nhờ những chỉ đạo sâu sát, trong gần 5 năm qua, công tác ngăn ngừa, đấu tranh hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng hơn, tình trạng vi phạm pháp luật và diện tích bị thiệt hại do hành vi phá rừng giảm, công tác quản lý bảo vệ rừng được chấn chỉnh một bước.

Tuy nhiên, nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở không ít địa phương trên cả nước với những thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, nấp dưới nhiều hình thức. Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm, thậm chí vì lợi ích riêng sẵn sàng tiếp tay cho hoạt động phá rừng, buôn lậu gỗ, lâm sản. Hậu quả của việc tàn phá rừng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thiên tai ngày càng gay gắt, khốc liệt, ảnh hưởng lớn đời sống nhân dân, mà các trận mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của trong năm 2020 vừa qua là một minh chứng rõ ràng.

Trên thực tế, khi nạn chặt phá rừng ở mức độ đáng báo động, điều không thể khác là phải nhanh chóng có những hành động quyết liệt tương ứng. Yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên cách nay gần 5 năm là một giải pháp kịp thời và cấp thiết để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng, kiên quyết chống nạn chặt phá rừng trái pháp luật. Nay, trước những đòi hỏi từ cuộc sống, việc phát động mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc mua bán, vận chuyển, sử dụng cây rừng… cũng là nhằm truyền đi quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông điệp ấy rõ ràng là cần chấm dứt ngay tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan chức năng và người dân trong bảo vệ rừng nói riêng, cảnh quan, môi trường sống nói chung.

HOÀNG VŨ