Biến khát vọng thành hiện thực

Dự thảo các văn kiện trình Ðại hội XIII được công bố cho nhân dân góp ý không chỉ thể hiện sự cầu thị của Ðảng, mà còn phát huy trí tuệ, quyền lực, trách nhiệm và tình cảm của nhân dân đối với các quyết sách hệ trọng.

Ðây là dịp để nhân dân tiếp cận trước tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi, điểm mới trong dự thảo các văn kiện, từ đó nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí, hành động, chuẩn bị tâm thế hiện thực hóa Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Qua việc lấy ý kiến của nhân dân, chắc chắn dự thảo các văn kiện đã có chất lượng tốt sẽ càng tốt hơn, thể hiện sâu sắc quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn với tầm nhìn và tư duy chiến lược, bản lĩnh, ý chí và trí tuệ của Ðảng, thể hiện khát vọng không ngừng vươn lên của dân tộc không chỉ 5 năm tới mà định hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm nhà nước ta ra đời. Ðây là điểm mới, tầm nhìn mới của Ðại hội lần này. Hơn bao giờ hết, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, kết nối chặt chẽ hơn nữa ý Ðảng với lòng dân, làm rõ hơn con đường phát triển toàn diện đất nước.

Có bốn dự thảo báo cáo được công bố lấy ý kiến: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết 10 năm; Báo cáo tổng kết 5 năm phát triển kinh tế - xã hội và phương hướng, nhiệm vụ những năm tiếp theo; công tác xây dựng Ðảng và thi hành Ðiều lệ Ðảng nhiệm kỳ Ðại hội XII, trong đó Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Ðại hội. Với nhiều nội dung mà thời gian thực hiện lại chưa đầy một tháng, cho nên cần sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ, khoa học, xây dựng kế hoạch cụ thể của cả hệ thống chính trị, các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài.

Ðể có hiệu quả thiết thực, việc lấy ý kiến cần tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng sao cho phù hợp từng đối tượng, thông qua hội nghị, hội thảo, diễn dàn, sinh hoạt chuyên đề, các phương tiện thông tin đại chúng. Từng ngành, từng cơ quan, đơn vị có thể tổ chức, định hướng, gợi mở những vấn đề liên quan để lấy ý kiến đóng góp có hiệu quả; từng cá nhân theo trình độ, năng lực, am hiểu thực tiễn có thể đóng góp ý kiến chuyên sâu, hoặc về một nội dung cụ thể mà dự thảo các văn kiện đề cập...

Có nhiều vấn đề có thể góp ý, như đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; định hướng, tầm nhìn, giải pháp thực hiện, biện pháp khắc phục khó khăn, yếu kém, nhất là yếu kém kéo dài. Trong đánh giá, nhận định, góp ý kiến, cần thấm nhuần quan điểm, đường lối đổi mới của Ðảng trên cơ sở kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Theo đó mà có cách nhìn toàn diện, khoa học đối với từng vấn đề, không quy chụp, hoặc phiến diện.

Việc đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Ðại hội là chủ trương được Ðảng thực hiện từ lâu, mang lại hiệu quả tích cực, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, để nhân dân thật sự là chủ thể, là nguồn lực trong thực hiện đường lối đổi mới. Ðây là dịp mỗi công dân thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mình với Ðảng, với dân tộc, song lại là thời điểm thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, xúi giục nói xấu. Cần hết sức cảnh giác. Góp ý vào Dự thảo là để toàn Ðảng, toàn dân chung quyết tâm, thống nhất ý chí và hành động, biến khát vọng thành hiện thực.