Yêu cầu rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1

NDO -

NDĐT- Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1; Tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định, đồng thời hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

(Ảnh minh hoạ: THUỲ LINH)
(Ảnh minh hoạ: THUỲ LINH)

Nghị quyết Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc chiều 19-6, đã đề cập đến hai nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục, là kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 và việc biên soạn sách giáo khoa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Quốc hội về những vấn đề đặt ra trong thực tế nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

“Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân. Có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” – Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Quốc hội yêu cầu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Nội dung về tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được đưa vào dự thảo Nghị quyết qua tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.