Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ:

Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc

NDO -

NDĐT- Ngay trước thời điểm Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chính thức diễn ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia trao đổi với độc giả Báo Nhân Dân, với các thí sinh cả nước chung quanh những nỗ lực thực hiện kỳ thi thực sự nghiêm túc, an toàn, bảo đảm công bằng, khách quan.

Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Tinh thần chỉ đạo của T.Ư đã lan toả đến địa phương

Phóng viên: Ngày 25-6, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chính thức diễn ra. Kỳ thi này diễn ra ngay sau một kỳ thi có những gian lận, sai phạm, nghiêm trọng ở một số địa phương. Vậy, năm nay, Bộ GD-ĐT chuẩn bị thế nào để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khắc phục những thiếu sót, hạn chế của kỳ thi trước?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Chúng tôi nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của kỳ thi này không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội. Bộ GD-ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án của kỳ thi, trong đó đặc biệt là sửa đổi quy chế để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.

Bộ GD-ĐT đã sớm thành lập Ban chỉ đạo thi, từ tháng 4 và đầu tháng 5 đã ra quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra trước trong và sau khi thi ở 63 tỉnh, TP. Đặc biệt, công tác tuyên truyền quán triệt những chủ trương, chỉ đạo của Bộ, Chính phủ đến các tỉnh, TP được làm rất nghiêm túc.

Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc ảnh 1

“…kỳ thi này không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận rõ, giao trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT xây dựng phương án và các địa phương phải nâng cao trách nhiệm của mình, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân việc tổ chức triển khai kỳ thi này nghiêm túc, an toàn, bảo đảm công bằng, khách quan.

Với việc Bộ triển khai kế hoạch cùng sự quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị, cũng như của các tỉnh, TP, thì chúng tôi tin là kỳ thi sẽ diễn ra tốt đẹp.

Phóng viên: Hằng năm, trước kỳ thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đều tổ chức tổ chức các đoàn kiểm tra về địa phương để kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT thì công tác thanh kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức thi chưa sâu sát. Làm thế nào để công tác này năm nay sâu sát và tránh hình thức?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Bộ GD-ĐT đã thành lập 8 đoàn kiểm tra tại 63 tỉnh, TP, trong đó bốn đoàn do Thứ trưởng trực tiếp làm trưởng đoàn, bốn đoàn do các Vụ trưởng, Cục trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra các khâu tổ chức kỳ thi. Có thể nói, chúng tôi theo tinh thần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình. Đoàn kiểm tra được phân công rõ các điểm, các tỉnh, TP và chịu trách nhiệm cùng các địa phương được giao trong công tác quản lý chỉ đạo. Các đoàn được phân công phải xây dựng kế hoạch kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo tại các đơn vị, thống nhất có biên bản ghi nhận việc giao nhiệm vụ cho các địa phương thực hiện, và có sự kết nối giữa các Ban chỉ đạo ở địa phương với Ban chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo T.Ư để giải quyết các công việc kịp thời.

Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc ảnh 2

Kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại Phú Thọ

Lực lượng Công an đã xây dựng phương án an ninh đến từng điểm thi ở các khâu như in sao đề, bảo quản hệ thống chấm thi…Điện lực có kế hoạch chuyển nguồn, đảo nguồn, có hệ thống máy phát điện dự phòng tại các điểm thi. Công tác y tế ngoài việc có bác sĩ trực tiếp tham gia tại điểm thi thì mỗi quận huyện bố trí xe cấp cứu, bác sĩ để sẵn sàng nếu sức khoẻ của thí sinh và cán bộ làm công tác thi có vấn đề. Nhất là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, như dịch tả lợn châu Phi, thì sự an toàn thực phẩm cho thí sinh, các cán bộ coi thi cũng được tính đến. Đối với một số tỉnh miền núi cũng lên phương án hỗ trợ cho thí sinh đi lại nếu xảy ra thiên tai, bão lũ…

Qua kiểm tra, 100% các điểm chúng tôi đến đã được bố trí đầy đủ các phương án và sẵn sàng cho kỳ thi tốt. Các tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên thì đã có phương án, chế độ hỗ trợ, dự phòng về các điều kiện đi lại, ăn ở cho thí sinh.

Có thể nói tinh thần chỉ đạo ở T.Ư đã được lan toả được tới tất cả các địa phương. Tôi có thể lấy thí dụ tại Hoà Bình, khi chúng tôi đi kiểm tra điểm thi Trường THPT Mai Châu A đang có công trình xây dựng, khiến môi trường trường thi không bảo đảm. Tôi đã yêu cầu cho dừng thi công trước ít nhất 5 ngày, làm vệ sinh sạch sẽ, tăng cường an ninh. Hiện tôi nhận được báo cáo là đã khắc phụ toàn bộ để bảo đảm cho kỳ thi an toàn.

Con người - yếu tố quyết định

Phóng viên: Thứ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra một số tỉnh, trong đó có những tỉnh là “điểm nóng” như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... Thứ trưởng lưu ý điểm gì đối với những tỉnh này trong kỳ thi năm nay?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Có thể nói khó khăn lớn nhất đối với những tỉnh này là về tâm lý và thiếu hụt nhân sự. Những nhân sự mới được bổ nhiệm, kiện toàn, như Sơn La hiện Phó Giám đốc Sở phụ trách, Hoà Bình thiếu hụt lãnh đạo trưởng phòng…Vấn đề này được giải quyết theo hướng tăng cường, huy động hỗ trợ thêm từ các trường đại học. Một số các đồng chí phó ban chỉ đạo từ các đại học cũng tham gia vào các hoạt động chính của các đơn vị như tham gia ban in sao đề…

Thực tế những giải pháp hỗ trợ các địa phương trong vấn đề bổ sung nhân lực đã được triển khai. Như tại tỉnh Sơn La là 7 trường đại học tham gia.

Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc ảnh 3

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi, động viên các thí sinh tại Yên Bái

Phóng viên: Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, trong tất cả các khâu, yếu tố con người vẫn là quyết định nhưng việc lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thậm chí có cán bộ suy thoái biến chất. Vậy kỳ thi năm 2019, ngoài việc tập huấn, quán triệt nghiệp vụ, quy chế thi, Bộ GD-ĐT chỉ đạo khắc phục tình trạng lựa chọn cán bộ làm công tác thi ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Có thể nói một bài học sâu sắc đối với các địa phương trong tổ chức thi năm vừa qua chính là việc tuyển chọn cán bộ tham gia làm công tác thi. Năm nay, Bộ thống nhất quán triệt phải lựa chọn những người có trách nhiệm năng lực, phẩm chất tốt để tham gia kỳ thi này. Nhiều địa phương cũng đã thực hiện rất nghiêm túc, tham khảo cơ quan công an để thẩm định nhân thân, xem xét quá trình công tác từ đó có đánh giá để lựa chọn cán bộ làm công tác thi. Chúng tôi yêu cầu các hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong việc cử, giới thiệu nhân sự, cam kết đây là những người đủ điều kiện tham dự kỳ thi. Một nội dung trong quá trình các đoàn đi kiểm tra là về việc lựa chọn nhân sự có phẩm chất, không gian lận.

Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc ảnh 4

“Chúng tôi yêu cầu các hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong việc cử, giới thiệu nhân sự, cam kết đây là những người đủ điều kiện tham dự kỳ thi”.

Tôi có thể thí dụ như tỉnh Hà Giang, năm nay, quá trình kiểm tra chúng tôi thấy toàn bộ cán bộ làm công tác thi của cả tỉnh được an ninh thẩm định từng trường hợp. Những trường hợp nghi vấn sẽ được thẩm định kỹ. Tôi trực tiếp đã xem công văn để thấy sự vào cuộc của cơ quan an ninh rất chặt chẽ.

Phóng viên: Việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia đã được phân cấp cho địa phương nhưng thực tế Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số nơi chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi. Năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp gì để tránh việc cục bộ, “địa phương hóa” dẫn đến nguy cơ gian lận trong quá trình tổ chức kỳ thi?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh trong Quy chế thi. Thí dụ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng trực thuộc địa phương nào thì nguyên tắc không coi thi tại địa phương đó. Chỉ có những trường đại học trực thuộc bộ, ngành T.Ư thì có thể coi thi tại địa phương như Trường đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức thi tại Hà Nội.

Về khâu chấm trắc nghiệm, trước đây giao cho các Hội đồng coi thi địa phương, do Giám đốc Sở thành lập Hội đồng với thành phần gồm các cán bộ giáo viên ở địa phương. Năm nay, Bộ trực tiếp chỉ đạo, công tác chấm trắc nghiệm và giao cho các trường đại học trực tiếp chỉ đạo, tổ chức chấm và bàn giao kết quả chấm. Còn phía sở tại, hội đồng thi và ban chỉ đạo tỉnh sẽ lo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy, điều kiện để thực hiện bảo đảm an ninh an toàn.

Như vậy, việc chấm trắc nghiệm đã được chuẩn bị sao cho khách quan nhất. Đối với chấm tự luận, địa phương trực tiếp chấm. Vì sao lại có điều này? Các trường đại học không phải trường nào cũng đủ giáo viên để chấm hết những môn cơ bản như Toán, Văn, nhất là các trường kỹ thuật. Bộ GD-ĐT thống nhất để địa phương trực tiếp chấm môn tự luận và tăng cường thanh tra, kiểm tra và chấm kiểm tra. Tất cả những bài thi điểm cao được chấm kiểm tra. Tương tự, áp dụng quy trình chấm bảo đảm khách quan, hai vòng độc lập. Một bài thi phải được hai cán bộ giám khảo chấm ở hai tổ, khớp với nhau. Quá trình chấm được giám sát chặt chẽ. Như vậy, khi đã tăng cường công tác giám sát, phối hợp các trường đại học, quy trình chấm chặt chẽ, tăng cường chấm lại các bài điểm cao thì sẽ làm giảm tính cục bộ địa phương.

Đạt kết quả tốt nhất bằng chính năng lực của mình

Phóng viên: Việc thực hiện kỳ thi như hiện nay dự kiến tổ chức đến hết năm 2020 sẽ có thay đổi. Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị gì cho sự thay đổi đó và đến năm 2021 mới thay đổi thì có quá muộn hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Bộ GD-ĐT hiện đang giao đề tài nghiên cứu khoa học về phương án thi sau năm 2020 cho ĐHQGHN. Đề tài đang trong quá trình nghiên cứu để sao cho tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có kết quả nghiên cứu. Như vậy, khi có kết quả nghiên cứu của đề, chúng ta vẫn có thời gian để chuẩn bị cho những đổi mới tiếp theo.

Phóng viên: Những sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 ở một số địa phương không chỉ nằm trong vấn đề giáo dục mà còn cho thấy phần nào những đảo lộn hệ giá trị của xã hội. Tiêu cực trong thi cử trước đây cũng có nhưng gian lận có tính hệ thống, chỉ đạo cấp tỉnh thì chưa từng xảy ra. Vậy, với góc độ quản lý ngành, theo ông đâu là động cơ và nguyên nhân khiến cho người ta sẵn sàng bất chấp tất cả để gian lận, tiêu cực? Phải chăng xã hội đang quá chú trọng chuyện chuyện bằng cấp, hay vì lý do gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Có lẽ chuyện chú trọng bằng cấp, muốn vào đại học bằng mọi giá cũng là một lý do quan trọng. Hiện nay có những nơi việc phân luồng cho học sinh, đi học nghề đã diễn ra mạnh mẽ, nhưng nhiều nơi thì phân luồng rất khó khăn. Có lẽ văn hoá “vinh quy bái tổ”, bằng cấp là một trong những điều mang lại tự hào đã khiến ai cũng mong đợi và muốn phải quyết tâm theo đuổi con đường đại học.

Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc ảnh 5

“…nhận định việc gian lận thi cử bất chấp tất cả, theo hệ thống đã làm đảo lộn giá trị xã hội là nhận định rất đúng, tôi hoàn toàn đồng ý”.

Tôi nghĩ vấn đề chú trọng bằng cấp còn rất nặng nề, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng, tuyên truyền, hướng nghiệp, nhất là về khởi nghiệp trong nhân dân.

Còn về nhận định việc gian lận thi cử bất chấp tất cả, theo hệ thống đã làm đảo lộn giá trị xã hội là nhận định rất đúng, tôi hoàn toàn đồng ý. Do đó, chúng ta cần có biện pháp trong việc tuyển chọn con người. Quan điểm như Lê-nin nói là cần chọn đúng người giao đúng việc và kiểm tra thường xuyên thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn.

Phóng viên: Thứ trưởng có nhắn nhủ gì tới các thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia 2019?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Kỳ thi này rất quan trọng với các em vì sẽ đánh giá kết quả học tập của cả quá trình 12 năm phổ thông. Mong các em nỗ lực ôn tập thật tốt. Các em có thể yên tâm là Bộ GD-ĐT đã cố gắng xây dựng các văn bản, quy chế, và tất cả các địa phương đã vào cuộc để chăm lo cho công việc này công bằng, nghiêm túc.

Kỳ thi phải thực sự nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Nghiêm túc chặt chẽ đối với người lớn, còn đối với các em là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em đi thi. Tôi mong muốn các em đi thi đạt kết quả tốt nhất bằng chính năng lực của mình. Chúc các em có một kỳ thi thành công!

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!