Thêm các kênh lấy ý kiến góp ý cho sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

NDO -

Đối với sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định để chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT cho biết lần này, sẽ tăng cường khâu thẩm định trong Hội đồng, tăng cường mức độ tương tác với các nhóm tác giả, đồng thời mở thêm các kênh lấy ý kiến góp ý rộng rãi hơn.

Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (bên phải ảnh) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành (bên trái ảnh)
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (bên phải ảnh) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành (bên trái ảnh)

Sau sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới đã được đưa vào dùng trong năm học này, sách lớp 2 và lớp 6 đang tiếp tục được chuẩn bị cho năm học tiếp theo. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết về tiến độ công tác thẩm định: “Hiện nay, công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và chúng tôi đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2”.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, lần này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.

Đồng thời, khâu thẩm định trong Hội đồng cũng như tương tác với các nhóm tác giả sẽ tăng cường để đáp ứng các yêu cầu của quy định, và sẽ mở thêm các kênh khác nhau để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn, trong đó có việc lấy ý kiến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy tại cơ sở. “Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện chỉ đạo này để bảo đảm cho SGK tiếp theo sẽ tránh được những điều đáng tiếc xảy ra” – Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Đặc biệt, SGK lớp 2 và lớp 6 tới đây sẽ ban hành sớm hơn so với năm trước, Vụ trưởng cho biết. Như vậy, các nhà xuất bản có thời gian năm tháng để thực hiện các khâu in ấn, phát hành. Trong khoảng thời gian này, các đơn vị sẽ tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách mới, song song hành cùng với việc bồi dưỡng mô-đun, phương pháp dạy học cũng như phương pháp kiểm tra, đánh giá để bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng cho năng lực đội ngũ nhà giáo khi bắt đầu triển khai cho năm học mới vào tháng 9-2021.

Rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1 mới trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện một số điều chỉnh quan trọng trong khâu thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng các bộ sách đưa vào triển khai. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngày 29-10 cho biết,  Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng ở trong công tác thẩm định SGK. 

Thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. "Trước đây, các nhà xuất bản, tác giả chủ động phối hợp tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD- ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. 

Thứ hai là tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản gửi tới Bộ GD- ĐT để thẩm định. Theo đó các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua “vòng lọc” đầu tiên này, nhà xuất bản mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD- ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn. 

Thứ ba, sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK. Về vấn đề này, Thứ trưởng cho biết: “Có thể bằng cách đăng mạng bản mẫu SGK dạng pdf để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân”.

Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.