Minh bạch khi đưa sách giáo khoa mới vào dạy học

(Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Có nhất thiết phải mua lại một bộ sách giáo khoa?

Cùng với yêu cầu thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK), Nghị quyết 88/2014/QH13 (Nghị quyết 88) của Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD và ÐT vẫn chưa thực hiện được yêu cầu nêu trên mà lại triển khai mua lại một bộ SGK lớp 1 được biên soạn theo hình thức xã hội hóa.

 Các bản mẫu sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Ảnh: THANH TÙNG
Các bản mẫu sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Ảnh: THANH TÙNG

Lòng vòng, thiếu nhất quán

Ðể chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu Bộ GD và ÐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK trên cơ sở thẩm định, phê duyệt công bằng với SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Vì vậy, tháng 1-2017, Bộ GD và ÐT cùng Ngân hàng Thế giới khởi động dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), trong đó, có hơn 16 triệu USD kinh phí biên soạn một bộ SGK và 4,5 triệu USD cung cấp SGK (từ lớp 1 đến lớp 12) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10-2018, Bộ GD và ÐT cho biết, sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK. Việc lựa chọn đơn vị biên soạn SGK được tiến hành theo hình thức đấu thầu rộng rãi cho nên cần đủ thời gian theo quy định của pháp luật. Phiên họp lần thứ nhất (11-3-2019) Ban Chỉ đạo Ðổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông kết luận, tổ chức biên soạn một bộ SGK theo phương án đã thiết kế, phê duyệt, trên cơ sở thống nhất với Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan.

Tuy nhiên, chỉ hơn hai tháng sau, ngày 16-5-2019, báo cáo với Quốc hội về thực hiện các nghị quyết hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Bộ GD và ÐT cho biết, đã đề xuất hai phương án: Giao Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) biên soạn, in, phát hành SGK và tuyển chọn một hãng tư vấn (NXB) biên soạn bản thảo, biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK. Tuy nhiên, hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Bộ GD và ÐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tuyển chọn tác giả tổ chức biên soạn một bộ SGK. Bộ GD và ÐT đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả, biên tập viên nhưng cũng không thực hiện được do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số NXB cho nên không đủ ứng viên tham gia tuyển chọn. Tháng 10-2019, trong văn bản cung cấp thông tin về tình hình GD và ÐT cho các đoàn đại biểu Quốc hội, Bộ GD và ÐT cho biết, đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách nhà nước. Ðại diện Bộ GD và ÐT cũng cho biết kinh phí biên soạn SGK của dự án RGEP sẽ được bàn bạc với Ngân hàng Thế giới để thực hiện các nhiệm vụ phù hợp khác về đổi mới chương trình, SGK.

Tuy nhiên, ngày 4-2-2020 tại cuộc họp triển khai hoạt động của dự án RGEP, Bộ trưởng GD và ÐT kết luận, giao Ban quản lý Các dự án (Bộ GD và ÐT) phối hợp Vụ Giáo dục tiểu học, dự án RGEP và một số đơn vị liên quan, tổ chức mua bản mẫu SGK lớp 1 mới (trừ SGK môn Ngoại ngữ). Vụ Giáo dục trung học chủ trì phối hợp Vụ Giáo dục tiểu học và các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn một bộ SGK; trước mắt, hoàn thành biên soạn bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6, trước ngày 15-10 để thẩm định. Như vậy, sau nhiều năm triển khai Nghị quyết 88, trong khi các tổ chức, cá nhân đã biên soạn được năm bộ SGK kịp thời đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021 thì đến nay Bộ GD và ÐT vẫn loay hoay chưa tổ chức được việc biên soạn một bộ SGK theo yêu cầu.

Cần phù hợp thực tiễn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng, hiện nay, có năm bộ SGK khác nhau do các tổ chức, cá nhân biên soạn thì Bộ GD và ÐT với vai trò quản lý nhà nước đồng thời chủ trì thẩm định có thể lựa chọn một bộ phù hợp nhất để mua lại bản quyền và tồn tại cùng các bộ SGK của tổ chức, cá nhân khác. Về mặt lý thuyết nhà trường hay UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải cân nhắc lựa chọn một trong các bộ SGK, bảo đảm chất lượng, phù hợp yêu cầu của địa phương, của trường. Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra yếu tố cảm tính trong việc lựa chọn giữa SGK của Bộ GD và ÐT và SGK của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD và ÐT cần có hướng dẫn cụ thể để làm sao quy trình lựa chọn SGK bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan. Mặt khác, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD và ÐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK để trong bất cứ trường hợp nào (thí dụ xã hội hóa nhưng các tổ chức, cá nhân không kịp biên soạn), học sinh trên cả nước vẫn có SGK để học tập. Nghị quyết 88 quy định như trên thì phải thực hiện, nhưng nếu muốn thay đổi phải xin phép Quốc hội; việc có báo cáo, đề xuất Quốc hội thay đổi hay không là thẩm quyền của Chính phủ.

GS, TSKH Ðào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 88 yêu cầu Bộ GD và ÐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để phòng trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào biên soạn SGK kịp triển khai chương trình mới. Nhưng quá trình triển khai có nhiều tổ chức, cá nhân chủ động biên soạn SGK, cho nên Bộ GD và ÐT đã không chủ động làm. Như vậy không đúng với Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ðến nay, khi các tập thể, cá nhân đã biên soạn năm bộ SGK lớp 1 được phê duyệt sử dụng trong trường phổ thông thì Bộ GD và ÐT lại bắt đầu tổ chức biên soạn SGK là không hợp lý. Mặt khác, việc mua lại bản quyền một bộ SGK lớp 1 và tổ chức biên soạn từ lớp 2 cũng có thể gây nhiều hệ lụy. Vì giáo viên, học sinh đang dạy học SGK lớp 1 theo phương pháp tiếp cận nội dung, mục tiêu giáo dục của một nhóm tác giả; khi lên lớp 2 lại là một nhóm có cách biên soạn, tiếp cận hoàn toàn khác thì khó tạo ra một sự nhất quán. Nếu Bộ GD và ÐT mua một bộ SGK lớp 1 bằng tiền ngân sách rồi bán rẻ thì các bộ SGK lớp 1 khác sẽ khó có thể tồn tại. Làm như vậy là không bảo đảm cơ chế cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Thực tế đã có một số tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, được phê duyệt rồi thì không lo học sinh không có sách học. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần đưa ra giải pháp xử lý vấn đề vừa đúng tinh thần Nghị quyết 88 vừa phù hợp thực tế hiện nay", GS Ðào Trọng Thi nhìn nhận.

Theo các chuyên gia giáo dục, sau nhiều năm, Bộ GD và ÐT vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 88. Ðến nay, xét về ý nghĩa, mục tiêu của yêu cầu trên với thực tiễn diễn ra thì không nhất thiết phải lấy tiền ngân sách mua lại một bộ SGK từ tổ chức, cá nhân để "hợp thức" đó là SGK của Bộ GD và ÐT tổ chức biên soạn. Bởi khi đã có năm bộ SGK theo hình thức xã hội hoá thì việc Bộ GD và ÐT mua lại một bộ dù không sai nhưng cũng không mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực nữa. Vì vậy, Bộ GD và ÐT có thể đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh yêu cầu việc tổ chức biên soạn một bộ SGK để tiết kiệm, tránh nguy cơ gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước. Ðiều quan trọng hiện nay, khi đưa SGK mới vào dạy học, Bộ GD và ÐT cần kiểm tra, rà soát để bảo đảm đúng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra. Mặt khác, trong năm bộ SGK hiện nay, tập trung chủ yếu vào NXBGD có bốn bộ; NXB Ðại học Sư phạm và NXB Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ có chung một bộ. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần có những giải pháp khuyến khích xã hội hóa, thu hút thêm các NXB, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh nguy cơ độc quyền, tăng giá, tạo gánh nặng chi phí không đáng có cho người học…

-------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25-3-2020.