Kiến nghị cơ chế hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí cho trẻ vùng khó khăn

NDO -

Ngày 13-11, tại Quảng Ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn I (2016-2020) thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS.
Các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trong 5 năm qua, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương đã tích cực chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả. Hầu hết các giải pháp đều phát huy tác dụng hướng tới việc TCTV nhanh và bền vững, tạo tiền đề và góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi có đông đồng bào DTTS.

Tính đến thời điểm tháng 5-2020, toàn quốc có hơn 80 nghìn giáo viên mầm non dạy trẻ em người DTTS; tổng số trẻ em người DTTS đến trường là 884.689 trẻ, tăng hơn 130 nghìn trẻ em người DTTS so thời điểm xây dựng Đề án. Trong đó, số trẻ em người DTTS tại các địa bàn xã khó khăn đi học tăng hơn 34 nghìn trẻ; số trẻ em người DTTS học hai buổi/ngày tăng hơn 111 nghìn trẻ.

Các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp, mọi lúc mọi nơi; lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ.

Kiến nghị cơ chế hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí cho trẻ vùng khó khăn -0
 Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.

Nhiều địa phương đã phát động phong trào sưu tầm, sáng tác thơ, truyện, trò chơi, bài hát… của các dân tộc địa phương và tuyển chọn thành cuốn tuyển tập để giáo viên lựa chọn và đưa vào các hoạt động giáo dục trẻ... Từ đó, kỹ năng nghe hiểu tiếng Việt, khả năng giao tiếp của trẻ được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn, bất cập ở cả bậc mầm non và tiểu học. Tính đến tháng 5- 2020, riêng vùng có đông trẻ em người DTTS còn 2.872 phòng học nhờ tạm; các địa phương còn phải sử dụng 2.333 phòng học nhờ để bảo đảm một phòng/lớp. Số phòng học thiếu, học nhờ, tạm mượn ảnh hưởng không nhỏ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ, ảnh hưởng công tác tổ chức học hai buổi/ngày, duy trì tỷ lệ chuyên cần của trẻ.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên, định biên giáo viên/lớp thấp,  mặc dù nhiều địa phương đã thực hiện việc dồn ghép các điểm trường, giảm số nhóm lớp, tuy nhiên các tỉnh có đông trẻ em DTTS vẫn còn thiếu hơn 7.000 giáo viên. Còn 5,7% trẻ em người DTTS chỉ tổ chức học một buổi/ngày, ảnh hưởng tăng cường giao tiếp, nghe nói tiếng Việt của trẻ như tại các tỉnh Gia Lai, Trà Vinh, An Giang...

Tại Hội nghị, bên cạnh việc chia sẻ mô hình hay, phương pháp tăng cường Tiếng Việt cho trẻ được áp dụng hiệu quả tại một số địa phương, nhiều đại biểu đã có những kiến nghị, đề xuất về chế độ hỗ trợ ăn trưa, chế độ đãi ngộ giáo viên, miễn giảm học phí...

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thanh Nưa, Điện Biên, kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét để có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ như hỗ trợ trẻ mẫu giáo hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp; Bộ GD-ĐT xem xét, phối hợp ban hành văn bản quy định danh mục tối thiểu về thiết bị, đồ dùng y tế, thuốc đối với phòng y tế của các cơ ở GDMN.

Đồng thời, có quy định về số lượng giáo viên tối thiểu/nhóm, lớp mầm non để giảm áp lực công việc cho giáo viên. Đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An, mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ dạy lớp ghép, lớp TCTV cho giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy ở điểm trường chính, bảo đảm quyền lợi giáo viên mầm non; có cơ chế, chính sách hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập, miễn giảm học phí cho trẻ độ tuổi nhà trẻ, nhất là những vùng khó khăn thuộc diện TCTV, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng và tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường.

Đại diện Sở GD-ĐT Bình Phước cũng đề xuất Bộ GD-ĐT bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi như tranh ảnh, đồ chơi, vật liệu dạy học tiếng Việt phù hợp. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng giáo viên dạy học sinh DTTS.