Khó khăn, vướng mắc khi triển khai tài liệu giáo dục địa phương

NDO -

NDĐT - Thời gian qua, cùng việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, các địa phương cả nước tập trung tổ chức thực hiện biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương, kịp triển khai cho năm học 2020-2021. Đây là một bộ phận quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục, các địa phương đang gặp những khó khăn, vướng mắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa có quy định rõ ràng.

Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. (Ảnh: Mạnh Trường)
Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. (Ảnh: Mạnh Trường)

Quy định còn thiếu thống nhất

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 26-12-2018 của Bộ GD-ĐT về Chương trình giáo dục phổ thông, nội dung giáo dục địa phương “là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương”. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Về quy trình biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, Bộ GD-ĐT quy định, đối với cấp THCS và THPT, UBND tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện biên soạn và thẩm định, trình Bộ GD-ĐT phê duyệt (theo Công văn 1106/BGDĐT-GDTrH); đối với cấp tiểu học, Sở GD-ĐT tổ chức thẩm định tài liệu, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ GD-ĐT tài liệu đã được phê duyệt (theo Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH).

Thực hiện quy định nêu trên, hiện nay, các địa phương đã tổ chức thành lập Hội đồng biên soạn, Hội đồng thẩm định để kịp tiến độ lớp 1, năm học 2020-2021. Hội đồng biên soạn do Giám đốc Sở GD-ĐT làm Chủ tịch; Hội đồng thẩm định do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch.

Tuy nhiên mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương, trong đó, quy định thành phần Hội đồng thẩm định trái với thực tế hiện nay đang triển khai tại các địa phương. Theo đó, Hội đồng thẩm định do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, có Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở GD-ĐT. Trường hợp Giám đốc Sở không đủ tiêu chuẩn tham gia Hội đồng hoặc vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch Hội đồng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT. Dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp, nhưng nhiều địa phương cho rằng khó khả thi vì thành phần hội đồng thẩm định trong dự thảo trùng với thành phần hội đồng biên soạn đang triển khai tại các địa phương, khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn vì sao Bộ GD-ĐT lại chỉ xây dựng Thông tư quy định về thẩm định tài liệu giáo dục địa phương mà lại không xây dựng Thông tư quy định việc biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương. Bởi thực tế, khâu biên soạn là đầu tiên, quan trọng không kém khâu thẩm định. Nếu xây dựng đồng thời Thông tư về biên soạn và thẩm định thì chắc chắn không có sự chồng chéo, mâu thuẫn như đã nêu trên.

Khó khăn, vướng mắc khi triển khai tài liệu giáo dục địa phương ảnh 1

Nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong ảnh: Bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới của NXB Giáo dục. (Ảnh: Duy Linh)

Cần làm rõ khái niệm “tài liệu giáo dục địa phương”

Trong các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT (Công văn 1106/BGĐT-GDTrH; Công văn 3536/BGDĐT-GDTH và Dự thảo Thông tư thẩm định tài liệu giáo dục địa phương), Bộ GD-ĐT nhiều lần sử dụng cụm từ: “nội dung giáo dục địa phương” và “tài liệu giáo dục địa phương”, nhưng không giải thích nội hàm khái niệm “tài liệu”, khiến nhiều địa phương lúng túng, không biết khái niệm có bao gồm tài liệu điện tử hay không. Do đó, hiện nay, các địa phương triển khai mỗi nơi một kiểu. Một số địa phương không in nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học thành tài liệu, sách, trong khi nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch biên soạn thành cuốn sách và mỗi học sinh sẽ được trang bị một cuốn. Đối với cấp THCS, THPT thì hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch in thành cuốn sách và mỗi học sinh cũng được trang bị một cuốn.

Theo các quy định hiện hành, tài liệu không chỉ là sách in, mà còn được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác. Luật Lưu trữ quy định tài liệu bao gồm: văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và vật mang tin khác. Luật Giáo dục có hiệu thực thi hành từ ngày 1-7-2020 cũng quy định tài liệu địa phương là nội dung được quy định trong sách giáo khoa giáo dục phổ thông; sách giáo khoa được thể hiện dưới cả dạng sách điện tử.

Ngoài ra, Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH của Bộ GD-ĐT hướng dẫn tài liệu giáo dục địa phương phải bảo đảm yêu cầu của xuất bản phẩm tham khảo theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT. Thông tư này cũng quy định các hình thức thể hiện của xuất bản phẩm tham khảo, trong đó có bản ghi âm, ghi hình.

Do đó, theo các quy định nêu trên, tài liệu giáo dục địa phương hoàn toàn có thể được thể hiện dưới dạng băng, đĩa ghi âm, ghi hình, tài liệu điện tử, sách điện tử. Tuy nhiên, để các địa phương áp dụng thống nhất, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn chi tiết, kịp thời.

Từ thực tế dạy học những năm qua, nhiều ý kiến của giáo viên ở địa phương cho rằng, nội dung giáo dục địa phương các cấp không cần thiết phải in thành các cuốn sách hoặc các ấn phẩm tham khảo để phát cho từng học sinh, nhất là cấp tiểu học đã được lồng ghép, tích hợp vào hoạt động trải nghiệm và các môn học. Đồng thời, không có cơ sở để cho rằng, chỉ có sách in, ấn phẩm tham khảo mới giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất và không phải cứ trang bị cho mỗi học sinh một cuốn sách thì học sinh mới chủ động, tích cực.

Thí dụ, gần đây, trước những bất cập của chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT có văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3-10- 2017, về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, thay thế, bổ sung các ngữ liệu, các bài học, các số liệu lạc hậu, các nội dung hàn lâm, nặng về lí thuyết để thay thế hàng trăm ngữ liệu, số liệu, nội dung dạy học mới mà không có trong sách giáo khoa. Triển khai thực hiện, các cơ sở giáo dục đã bổ sung, thay thế các nội dung dạy học thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, hệ thống học liệu điện tử, xây dựng bài dạy trong giáo án điện tử, báo cáo sản phẩm, nghiên cứu bài học ở nhà,... Chính sự linh hoạt, chủ động và sáng tạo ấy đã góp phần kích thích sự hứng thú, tinh thần tự học, tự nghiên cứu, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Ngay trong năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, sử dụng tài liệu điện tử sẽ là một nội dung góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, phù hợp xu thế của giáo dục hiện đại. Đồng thời, khi sử dụng tài liệu điện tử sẽ giúp các địa phương cập nhật, bổ sung hằng năm; đặc biệt, đối với học sinh cấp THCS, THPT khả năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin sẽ thành thạo hơn. Điều đó sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nếu dùng tài liệu điện tử.

Nếu các địa phương đều in sách tài liệu giáo dục địa phương, phát cho học sinh sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội. Chỉ tính riêng cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi năm cần hàng triệu bản; nếu tính cả tài liệu được in ấn cho cấp THCS, THPT trang bị cho học sinh và giáo viên thì số tiền sẽ rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Trước những bất cập nêu trên, để thống nhất thực hiện tại các địa phương, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc và tránh lãng phí cho xã hội, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm quy định rõ về tài liệu giáo dục địa phương, nhất là việc biên soạn dưới dạng tài liệu điện tử có được hay không hoặc chỉ in ấn, xuất bản cuốn hướng dẫn thực hiện cho giáo viên, còn học sinh sử dụng bản điện tử? Nếu được, Bộ GD-ĐT cần khuyến khích các địa phương có điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin tiến hành biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương dưới phương thức tài liệu điện tử, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác tài liệu để tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng ngân sách hằng năm.