Đột phá để cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tập trung đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

Tại cuộc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trong Tháng Công nhân vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lực lượng công nhân lao động có trình độ kỹ thuật là tài sản, là “vốn quý” của quốc gia. Bởi đây chính là nguồn lực phát triển kinh tế, công nhân tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Học sinh Khoa Công nghệ ô-tô, Trường cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa thực hành tại xưởng. Ảnh: LAN VŨ
Học sinh Khoa Công nghệ ô-tô, Trường cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa thực hành tại xưởng. Ảnh: LAN VŨ

Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại của thị trường lao động, mà còn chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Gỡ “nút thắt” phân luồng

Thống kê cho thấy, trong nhiều năm qua, quy mô lao động qua đào tạo của nước ta còn nhỏ bé so với yêu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn rất thấp, chỉ chiếm 22,22% lực lượng lao động vào cuối năm 2018 và có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị (14,29% và 39,71%). Chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, sự bất hợp lý trong cơ cấu theo các cấp trình độ, khi số lượng lao động có trình độ đại học trở lên so các trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp và sơ cấp nghề theo tỷ lệ: 1-0,33-0,57-0,37.

Chất lượng, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Cơ cấu lao động qua đào tạo cũng phân bổ không đều, tập trung tại một số ngành dịch vụ và thiếu nghiêm trọng ở các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ… Thiếu lao động trình độ kỹ thuật cao cung cấp cho doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm. Đội ngũ công nhân tay nghề cao phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động chưa đi vào nền nếp…

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta thấp hơn nhiều so với mục tiêu do Đại hội XII của Đảng đề ra. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống GDNN.

Trong nhiều năm qua, công tác phân luồng học sinh sau THCS luôn được quan tâm, nhưng mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề đến nay vẫn rất hạn chế. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu là, học sinh sau THCS vào GDNN chiếm tỷ lệ 30% vào năm 2020, có nghĩa là quy mô học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống GDNN khoảng 320 đến 330 nghìn học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chỉ có khoảng 8 đến 10% số học sinh sau THCS đi học nghề.

Mặc dù, công tác tuyển sinh GDNN đang có những chuyển biến tích cực, nhưng nếu không có những giải pháp mạnh đối với công tác phân luồng thì rất khó đạt mục tiêu nêu trên.

Ngày 14-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS, với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN, năm 2025 là 40%...

Để thực hiện chỉ tiêu phân luồng sau THCS, THPT theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH ngày 7-3-2019, với nhiều điểm mới tạo điều kiện cho các trường CĐ, trung cấp trong công tác tuyển sinh năm 2019. Thông tư này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Nhất là, học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học trình độ CĐ cũng có thể đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, các đối tượng này trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân cho rằng, vấn đề phân luồng và liên thông đã được nhấn mạnh một cách sâu sắc tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Có thể nói, việc đưa phân luồng vào Luật Giáo dục (sửa đổi) và được thông qua ở kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV lần này sẽ gỡ nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh và đào tạo của các bậc học sau phổ thông, trong đó có GDNN. Luật hóa vấn đề phân luồng sẽ thu hút học sinh THCS vào học nghề, một mặt nhằm tạo cơ hội cho người học được học tập suốt đời, mặt khác nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh tốt nghiệp lớp 9.

Chia sẻ về những việc cho phép học sinh THCS có thể học liên thông lên CĐ, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) Vũ Xuân Hùng, cho biết: Hiện lực lượng lao động qua đào tạo của Việt Nam rất thấp, với 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng số qua đào tạo chỉ chiếm hơn 22%. Nếu chúng ta làm tốt công tác phân luồng từ năm lớp 9, tiếp tục liên thông lên CĐ và các cấp, điều này làm cho trình độ lao động của các cấp GDNN được nâng lên đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.

Có thể thấy rõ, trong mấy năm gần đây, tỷ lệ thí sinh dự thi THPT quốc gia không đăng ký xét tuyển đại học có xu hướng tăng, theo TS Vũ Xuân Hùng đây là tín hiệu tốt, thể hiện chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực. Các bậc phụ huynh không còn tâm lý sính bằng cấp, học sinh không còn tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá… Nhưng điều này cũng đặt ra cho hệ thống GDNN thách thức không nhỏ, đó là làm sao để thu hút hết lực lượng này và đào tạo họ thành những lao động vừa có kiến thức kết hợp với thực hành, hình thành đội ngũ lao động được đào tạo, có kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời đại công nghiệp 4.0.

Giám đốc khối đào tạo Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Vũ Chí Thành cho biết, với năm cơ sở đào tạo trên cả nước, các trường CĐ thực hành của FPT đã đầu tư môi trường học chuyên nghiệp, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để sẵn sàng đón một lượng lớn học sinh nhập học (khoảng 10 nghìn người) trong năm nay. Đồng thời, cũng chuẩn bị số lượng giáo viên cần thiết để thí điểm chương trình học hết lớp 9 và liên thông lên CĐ tại cơ sở Hà Nội bắt đầu từ năm 2019.

Gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững

Năm 2018, sự gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn, thông qua chương trình phối hợp giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài.

Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, các cơ sở GDNN chủ động, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp và chính doanh nghiệp cũng tích cực tiếp cận nhà trường hơn. Nhiều cơ sở đào tạo đã làm tốt việc này như: Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi), CĐ Công nghiệp Lilama II (Đồng Nai), CĐ Công nghệ cao Hà Nội (Hà Nội), CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh), CĐ Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh… Trong đó, Trường CĐ nghề Dung Quất đã ký các hợp đồng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với nhu cầu hơn 16 nghìn nhân lực cho giai đoạn 2018-2020; Trường CĐ Cơ điện Hà Nội ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp về đào tạo, cung ứng nhân lực; Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) đã hợp tác hàng trăm doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng nhân lực; tất cả các sinh viên tốt nghiệp đều được trường và doanh nghiệp giới thiệu việc làm phù hợp ngành, nghề đào tạo…

Sự bắt tay giữa nhà trường và doanh nghiệp tạo hiệu quả mạnh mẽ, nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo… đã giúp nâng cao chất lượng đầu ra, người học ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tiếp cận được thị trường lao động, tạo việc làm bền vững.

Trưởng ban nhân lực Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology), ông Dương Trọng Bình cho biết: Ngoài hợp tác chiến lược với các trường đại học kỹ thuật, công nghệ hàng đầu trong nước, Công ty còn thường xuyên liên kết với các trường, trung tâm đào tạo nghề như: CĐ nghề kỹ thuật công nghệ, Trường trung cấp Thái Nguyên, CĐ Giao thông vận tải T.Ư, CĐ Nghề Bách khoa… để thúc đẩy hợp tác, tuyển dụng, thu hút công nhân lao động có tay nghề sau tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của công ty.

Theo ông Dương Trọng Bình, để gắn kết hơn nữa việc đào tạo và sử dụng lao động tại doanh nghiệp, các cơ sở GDNN cần thiết lập bộ phận chuyên trách có trách nhiệm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững với doanh nghiệp. Mời các giám đốc điều hành, các chuyên gia của các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, tham gia hội đồng tư vấn… đóng góp ý kiến về hoạt động của nhà trường từ góc nhìn doanh nghiệp trong việc xây dựng, phản biện chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học, biên soạn và cải tiến giáo trình phù hợp…

Để có mối gắn kết chặt chẽ, ngoài trách nhiệm tham gia nêu trên, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất cho nhà trường, như: hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ nhà trường thành lập các khu thực hành công nghệ, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Đồng thời, doanh nghiệp cần có chiến lược, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản làm cơ sở cho việc gắn kết đào tạo với sử dụng lao động…

Có thể thấy, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có bước chuyển biến tích cực. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu” gắn với nhu cầu nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu việc làm của thị trường lao động; đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực tiên tiến…, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của Tổng cục GDNN, trung bình hơn 70% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề tìm được việc làm, hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Để các giải pháp đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 được triển khai hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng cũng đề nghị, Chính phủ quy định cụ thể chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN hằng năm; Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB và XH thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học các trình độ của GDNN theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu này tại các địa phương. Đồng thời, đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ và phát triển GDNN, như: chính sách ưu đãi thuế đồng thời với chính sách bắt buộc doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; chính sách tín dụng đầu tư đối với các cơ sở GDNN, chính sách ưu đãi vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp… Các bộ, ngành và địa phương quan tâm nâng cao năng lực của cơ quan/bộ phận quản lý nhà nước về GDNN về cả số lượng và chất lượng…

* Bài 1: Trao quyền tự chủ cho các cơ sở

---------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 23-5-2019.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2020, phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm, nâng tỷ lệ đào tạo trình độ trung cấp, CĐ trong tổng số quy mô tuyển sinh, trong đó có khoảng 20% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm. Ít nhất 80% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Năm 2025, nâng quy mô tuyển sinh lên 4,6 triệu người mỗi năm và đến năm 2030 quy mô tuyển sinh tăng lên hơn 6,3 triệu người mỗi năm.