Định giá sách giáo khoa phù hợp với thu nhập người dân

NDO -

NDĐT- Vấn đề về sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục được các đại biểu Quốc hội làm nóng lên tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước chiều 15-6.

Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình)
Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình)

Cần tạo điều kiện để các gia đình có thể mua sách cho con em

Nhấn mạnh rằng lĩnh vực giáo dục, đào tạo, một lĩnh vực liên quan đến 22 triệu học sinh và trên một triệu thầy cô giáo cũng như là liên quan đến hàng triệu gia đình, đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ đạo thực hiện thật tốt việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong năm học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cụ thể là việc định giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân, vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt.

Dẫn Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu cho biết, giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn khoảng ba lần so với bộ sách giáo khoa hiện tại. “Việc này liên quan đến một hạn chế là cho đến nay Chính phủ chưa ban hành cơ chế tài chính đảm bảo công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa theo yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc hội” – đại biểu Quách Thế Tản nêu.

Đại biểu của TP Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cũng bày tỏ băn khoăn về giá sách giáo khoa. “Theo thông tin mà tôi nhận được, sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ đẹp hơn, giấy in chất lượng hơn và giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 cao hơn ít nhất 2,2 lần so với giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019-2020, mặc dù đã được các nhà xuất bản giảm giá do dịch bệnh” – đai biểu chia sẻ.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, cần tạo điều kiện để các hộ gia đình có thể trang bị sách giáo khoa cho con em mình.

“Tôi ủng hộ việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc này phải bảo đảm mang lại sách giáo khoa với chất lượng tốt, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục mới nhưng giá phải phù hợp với đại đa số thu nhập của các hộ gia đình” – đại biểu nêu rõ.

Từ đây, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xem xét và có chính sách hỗ trợ về giá đối với sách giáo khoa. Ưu tiên hỗ trợ đối với sách giáo khoa bậc tiểu học. Bên cạnh việc cấp miễn phí cho thư viện các trường học vùng khó khăn và vận động nhà xuất bản tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vì sách giáo khoa là một loại hàng hóa đặc biệt, là một trong những phương tiện để thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc bậc tiểu học.

Cần làm rõ Bộ GD-ĐT có tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không

Bên cạnh đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ sự không đồng tình với lý do Bộ GD-ĐT đưa ra để lý giải cho việc không tiếp tục tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa lớp 1 và cho rằng cách thức làm việc của Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục khiến bộ sách giáo khoa lớp 2 bị ảnh hưởng.

Theo đó, tại Nghị quyết số 88, Quốc hội đã giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nhằm tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nhưng đến nay, tháng 6-2020 bộ sách giáo khoa này chưa có với nguyên nhân là do khi thương thảo để ký hợp đồng sau khi đấu thầu, các tác giả đều đưa ra yêu cầu về nhuận bút lâu dài trong quá trình sử dụng sách giáo khoa.

“Có thể nhận định mặc dù Nghị quyết 88 đã giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa cho Bộ từ rất sớm, từ năm 2014 nhưng bộ lại tiến hành việc đấu thầu rất chậm vào năm 2019 nên không tuyển chọn được chuyên gia giỏi tham gia chương trình. Với cách làm này và với lý giải trong Báo cáo của Chính phủ thì không chỉ có sách giáo khoa lớp 1 mà sách giáo khoa lớp 2 và các lớp còn lại cũng chỉ sử dụng sách giáo khoa do tư nhân làm. Vì không thể giải quyết được vướng mắc về nhuận bút” – đại biểu phân tích.

Báo cáo của Chính phủ cũng không đề cập trường hợp một môn nào đó trong chương trình sau khi được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia thẩm định từ tất cả các nhóm tác giả trình đều không đạt để đưa vào sử dụng thì xử lý như thế nào nếu không có bộ sách giáo khoa mà Bộ chủ trì, biên soạn. Tình huống này theo bà Văn Thị Bạch Tuyết đã được đại biểu Quốc hội khóa XIII đặt ra và là một trong những lý do để giao Bộ GD-ĐT biên soạn sách vào Nghị quyết số 88.

“Từ các vấn đề trên, tôi kiến nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn và khẳng định lại việc có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT thực hiện hay không trước Quốc hội để trả lời với cử tri” – đại biểu của TP Hồ Chí Minh đề nghị.