Chênh lệch trong tiếp cận học trên internet, truyền hình tại các địa phương

NDO -

NDĐT- Tỷ lệ học sinh được học qua internet và trên truyền hình trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 có sự chênh lệch đáng kể ở các vùng trên cả nước, đạt hơn 86% đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, còn ở nhiều địa phương, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 40%.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị đánh giá chất lượng dạy- học trực tuyến chiều 3-6
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị đánh giá chất lượng dạy- học trực tuyến chiều 3-6

Báo cáo về tình hình dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo dục phổ thông trong bối cảnh Covid-19 tại hội nghị trực tuyến đánh giá chất lượng dạy- học trực tuyến chiều 3-6, Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh, bảo đảm mọi học sinh đều được học.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ học sinh học qua internet đạt 86,5% và trên truyền hình đạt 87,5% đối với học sinh ở các thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ học trên internet và truyền hình ở các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đạt 79,4% và 72,1%; Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt 70% và 63%...

Bên cạnh đó, ở một số vùng, tỷ lệ học sinh học trên internet và truyền hình đạt thấp, như các địa phương thuộc Bắc Trung Bộ chỉ đạt 38,3% và 36,3%; Trung du phía Bắc đạt 41,4% học sinh cả học trên internet và truyền hình; Miền núi phía Bắc đạt 47,3 và 40%; Đông Nam Bộ chưa có thống kê…

Chênh lệch trong tiếp cận học trên internet, truyền hình tại các địa phương ảnh 1

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây lần đầu tiên làm được. Với quyết tâm rất cao của toàn ngành, sự quan tâm, đồng hành của các công ty công nghệ, nhà mạng, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở giáo dục, phương thực dạy và học từ xa, học trực tuyến, qua truyền hình đã được tổ chức tốt và bước đầu có kết quả tích cực.

Theo Bộ trưởng, quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.

Bên cạnh mặt tốt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý việc triển khai dạy học trực tuyến cũng còn hạn chế cần khắc phục, trong đó làm sao để đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh.

Bộ trưởng cho biết thêm là mô hình dạy học trực tuyến hiện đã tổ chức thí điểm tại năm tỉnh với khoảng 20 trường học. Bộ GD-ĐT cũng sẽ hoàn thiện dự thảo quy chế dạy học trực tuyến, từ xa, trên truyền hình để làm cơ sở cho các nhà trường thực hiện.