Cải cách giáo dục phổ thông ở Pháp từ những việc cụ thể

NDO -

NDĐT- Các trường học ở Pháp gần đây đã tiến hành một số những cải cách cụ thể trong giáo dục phổ thông, như: phê chuẩn lệnh cấm học sinh mang điện thoại di động đến trường, hướng học sinh tới việc cần học được cách tranh luận mà không ngắt lời nhau và duy trì sự tôn trọng lẫn nhau, hay thành lập lại dàn đồng ca trường học nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ và phát triển ý thức tự tin của học sinh…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer trong buổi gặp gỡ học sinh tiểu học (Ảnh: POOL)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer trong buổi gặp gỡ học sinh tiểu học (Ảnh: POOL)

Tổng thống Cộng hòa Pháp, Emmanuel Macron, khi trong chiến dịch tranh cử đã đưa ra sáng kiến về cải cách ​​giáo dục. Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông cũng đã tuyên bố giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình.

Các dự án của Tổng thống Pháp trong lĩnh vực giáo dục được Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer trực tiếp thực hiện. Ông Blanquer từng lãnh đạo Trường đại học Khoa học Kinh tế và Thương mại (ESSEC) và là người có hiểu biết lĩnh vực giáo dục sâu sắc

Thay đổi đầu tiên có thể kể đến là từ năm học 2019-2020, học sinh Pháp bị cấm mang điện thoại di động đến trường với lý do điện thoại di động đã làm cho học sinh phân tâm, cản trở giao tiếp với bạn bè và làm ảnh hưởng tiêu cực tới bầu không khí yên tĩnh cần thiết trong lớp học. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng tại quốc gia “di động” nhất trên thế giới, nơi giao tiếp bằng điện thoại di động là quyền của học sinh đủ 15 tuổi.

Theo các nhà xã hội học, 8/10 học sinh Pháp trong độ tuổi từ 13-18 đang sở hữu một chiếc điện thoại di động và không phải tất cả bọn trẻ đều đồng ý với lệnh cấm đã được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 30-7. Theo nhà xã hội học Katie Vivien, “Việc trẻ em có điện thoại di động bảo đảm cho việc các em nhanh chóng liên lạc với cha mẹ. Phần lớn học sinh phổ thông sử dụng điện thoại di động để báo cho gia đình thời gian rời trường”.

Jean-Nel Tachet, Hiệu trưởng một trường phổ thông ở Aveyron, miền nam nước Pháp, là người ủng hộ lệnh cấm, cho biết: “Đến nay, điện thoại di động đã bị cấm trong lớp học, nhưng được phép dùng tại sân trường trong giờ nghỉ”. Ông thừa nhận rằng việc sử dụng điện thoại đã gây ra căng thẳng giữa người lớn và thanh thiếu niên.

Theo Giáo sư Gerard En, người đứng đầu khối trường học khu vực phía đông nước Pháp, nơi việc sử dụng điện thoại thông minh đã bị cấm trước khi áp dụng đạo luật mới, khẳng định: Trước đây việc sử dụng điện thoại di động đã bị hạn chế một phần và chỉ cấm sử dụng trong lớp học. Từ ngày 1-9, điện thoại di động đã bị cấm hoàn toàn trên toàn bộ lãnh thổ trường học. Học sinh vi phạm sẽ bị xử phạt, bị phê bình, hoặc buộc nghỉ học tạm thời.

Một cải cách khác về giáo dục được Bộ trưởng Jean-Michel Blanquer thực hiện, đó là trong khi nhiều người kỳ vọng rằng nền giáo dục dạy cho học sinh Pháp tiếp thu kiến thức quản lý kinh tế, kiến ​​thức toán học, thì Bộ trưởng quyết định: điều quan trọng nhất bây giờ là dạy cho học sinh nghệ thuật hùng biện. Trường phổ thông thời kỳ hiện đại đã coi trọng hàng đầu là đọc, viết và tính toán, giờ đây sẽ chú ý đến lời nói. Học sinh tốt nghiệp sẽ phải trải qua bài kiểm tra lớn về tài hùng biện.

Eloquence - Thuật hùng biện, không phải là lần đầu tiên trong lịch sử được nói đến ở trung học. Vào giữa thế kỷ 18, môn học này được coi là rất quan trọng, và các diễn giả vĩ đại đã được học từ trường phổ thông. Sự phát triển của thuật hùng biện có phần sa sút vào thế kỷ 20, khi có sự lan truyền nhanh chóng của báo chí và sự phát triển của ấn bản in, và người ta cho rằng để tiếp nhận thông tin cần giỏi viết, không cần nói.

Trong khi đó, nhiều giáo viên phàn nàn rằng học sinh hiện đại có thể đọc, viết, đếm, lý luận, nhưng không biết trình bày, trong khi nghề nghiệp đòi hỏi sẽ phải giao tiếp bằng lời nói. Vậy mà, ngay khi giao tiếp với những giáo viên thân thiện, đang nâng đỡ mình, học sinh vẫn không nói nên lời. Học sinh tin rằng họ chỉ nên nói khi biết câu trả lời đúng. Theo các chuyên gia, trong một môi trường thảo luận hay chỉ trích lẫn nhau, hùng biện là một nghệ thuật tranh luận văn minh. Học sinh cần học được cách tranh luận mà không ngắt lời nhau và không quên duy trì sự tôn trọng lẫn nhau.

Cùng với các thay đổi nói trên, việc hát đồng ca sẽ được thành lập lại tại các trường phổ thông Pháp. Theo các chuyên gia, hát đồng ca thúc đẩy việc học ngoại ngữ và phát triển ý thức tự tin của học sinh.

Thời gian học tập trong tuần của học sinh Pháp cũng thay đổi. Trong mười năm qua, riêng thời gian học tại trường của học sinh phổ thông Pháp thay đổi tới ba lần: Những người tiền nhiệm của Macron, đã có quyết định điều chỉnh;, trong nhiệm kỳ 2007-2012 của Tổng thống Nicolas Sarkozy, đã quy định một 4 ngày/tuần; dưới thời Tổng thống Francois Hollande đã quyết định thời lượng học tối ưu là 4,5 ngày/tuần.

Các cuộc thảo luận về chủ đề thời gian học sau đó vẫn diễn ra trong vài năm khi các trường muốn được phép quay trở lại 4 ngày/tuần. Giờ đây, sáng kiến ​​của Tổng thống Emmanuel Macron đang được thực hiện khi chính quyền thành phố được trao quyền, cùng với các trường, độc lập xác định lịch trình của tuần học (trong khi duy trì tổng số giờ học theo quy định).