Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam

Mới đây, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 26-2019 dành cho khu vực châu Á và châu Ðại Dương, Việt Nam lần đầu được vinh danh ở hạng mục Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Sự kiện này một lần nữa cho thấy, nghệ thuật ẩm thực nước ta ngày càng khẳng định sức hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Ðây cũng là kho tàng phong phú để "ngành công nghiệp không khói" khai thác, nhằm hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc Việt.

Du khách quốc tế trải nghiệm gói bánh chưng Việt Nam. Ảnh: Hồng Lĩnh
Du khách quốc tế trải nghiệm gói bánh chưng Việt Nam. Ảnh: Hồng Lĩnh

Trong xu thế phát triển ngày càng đa dạng về nhu cầu du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ khâu ăn uống đơn thuần của du khách, mà còn được xác định là một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch.

Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Ðồng thời, có tới hơn 80% số đơn vị, tổ chức du lịch khi được điều tra đều xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. Bên cạnh việc thưởng thức, mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ, ẩm thực còn giúp du khách cảm nhận được nét văn hóa bản địa đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, từ đó tăng cường ấn tượng về điểm đến. Với những quốc gia có nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, nếu bỏ qua việc tận dụng lợi thế về ẩm thực có nghĩa là đã bỏ qua cả "mỏ vàng" để phát triển du lịch. Du lịch ẩm thực chính là cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước, tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, đồng thời giữ gìn và quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới… Những năm qua, di sản văn hóa ẩm thực được hình thành qua hàng ngàn năm của Việt Nam đã làm say lòng bao khách du lịch nước ngoài khi đến thăm dải đất hình chữ S. Hàng chục món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì, nem… đã được các tổ chức thế giới, tạp chí ẩm thực, kênh truyền thông quốc tế uy tín vinh danh. Không chỉ đa dạng, hài hòa, tinh tế, dễ thưởng thức, ẩm thực nước ta còn chứa đựng tính nghệ thuật cao, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, nhân văn trong chế biến. Ðiều này cho thấy, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và thế mạnh để phát triển thương hiệu du lịch quốc gia một cách bền vững thông qua ẩm thực.

Nhằm khai thác lợi thế của ẩm thực trong phát triển du lịch, thời gian gần đây, một số công ty du lịch trong nước đã bắt đầu xây dựng những tua khám phá ẩm thực cho du khách, như đưa khách đi cùng đầu bếp ra chợ để chọn thực phẩm, cùng tham gia vào quá trình chế biến; hay tổ chức các lớp học nấu ăn (kéo dài nửa ngày, một ngày) với sự hướng dẫn của các đầu bếp nổi tiếng; hoặc dẫn khách tới những khách sạn lớn trải nghiệm món ăn theo yêu cầu… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Ðầu bếp Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch ẩm thực mới chỉ bắt đầu được phát huy ở một số địa phương là trọng điểm du lịch như Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…; các địa phương còn lại dù giàu tiềm năng vẫn lúng túng và gặp khó khăn trong phát triển du lịch ẩm thực. Nhiều người làm du lịch còn hạn chế về kiến thức ẩm thực nên cũng khó để xây dựng những sản phẩm thật sự hấp dẫn. Ðối với hình thức du lịch này, đòi hỏi từ người xây dựng tua tới người dẫn tua, hướng dẫn viên đều phải am hiểu về ẩm thực và văn hóa ẩm thực mới có thể mang đến những trải nghiệm giá trị cho du khách.

Du lịch ẩm thực không chỉ đơn giản là để du khách được thưởng thức những món ăn, đồ uống ngon, độc đáo, mà còn là cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống đó. Nên theo các chuyên gia, việc xây dựng những sản phẩm du lịch ẩm thực cần tính tới khả năng liên kết theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn để khách du lịch có được những trải nghiệm thực tế sinh động. Không chỉ dừng lại ở cung cấp món ăn ngon, trải nghiệm, những người làm du lịch cần quan tâm chia sẻ với du khách về không gian ăn, hay những văn hóa ứng xử trong khi ăn theo truyền thống của người Việt, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới, cũng là để quảng bá những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Một trong những rào cản lớn nhất để phát triển du lịch ẩm thực hiện nay chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khi Việt Nam nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đường phố và phần lớn du khách khi đến nước ta đều muốn khám phá nét văn hóa này. Sản phẩm có hấp dẫn đến mấy mà gây ra sự cố về vệ sinh thực phẩm thì mọi nỗ lực cũng vô nghĩa. Do đó, bảo đảm vệ sinh, an toàn trong lựa chọn, chế biến, cung cấp thực phẩm là yếu tố hàng đầu để phát triển du lịch ẩm thực. Và để thực hiện điều này cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan. Bên cạnh đó, không thể quên vai trò của khâu quảng bá, xúc tiến du lịch ẩm thực. Trên cơ sở rà soát, hệ thống hóa những món ăn tiêu biểu, đặc trưng của các vùng, miền có khả năng tích hợp, đưa vào xây dựng sản phẩm du lịch, ngành du lịch cần có chiến dịch quảng bá rộng rãi về văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua những sự kiện quốc tế được tổ chức trong nước và ngoài nước, nhất là ở những quốc gia là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam và những khu vực có đông cộng đồng người Việt sinh sống, học tập. Ðây cũng là cách để Việt Nam từng bước khai thác thành công chuỗi giá trị từ sự kết hợp giữa du lịch, văn hóa và ẩm thực.