Diễn đàn Chủ nhật

Gìn giữ hình ảnh cho du lịch Việt Nam

Vài ngày qua, một đoạn phim được đưa lên mạng xã hội Facebook quay lại cảnh một nữ tiểu thương ở Hội An (Quảng Nam) có thái độ hung hăng đòi hành hung du khách nước ngoài, làm dư luận dậy sóng. Trong vài giờ, đoạn phim này đã có hàng nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Ða số đều nhận xét cách hành xử thô lỗ của người này làm xấu hình ảnh di sản thế giới Hội An trong mắt khách du lịch; đồng thời bày tỏ ý kiến địa phương nên nhanh chóng xác minh, xử lý nghiêm các hành vi trên.

Như vậy, chỉ trong hơn một tháng, tại Hội An, liên tiếp xảy ra nhiều sự việc làm xấu đi hình ảnh của mình như: từ chối tiếp khách trong nước; chụp ảnh bán khỏa thân trên nóc nhà phố cổ... Tất cả các sự kiện trên xảy ra khiến dư luận phẫn nộ. Hội An là một điểm đến du lịch có sức thu hút lớn, đón hàng triệu lượt du khách trong nước và ngoài nước mỗi năm. Vậy mà còn nhiều "hạt sạn" trong cách ứng xử tại một số thời điểm, một số địa chỉ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu di sản nổi tiếng này.

Dư luận trách chính quyền địa phương khi cho rằng, lẽ ra, những vụ việc "bôi bẩn" hình ảnh Hội An, ít ra như vụ "tiếp khách tây, đuổi khách ta", hoặc chụp ảnh bán khỏa thân trên nóc nhà phố cổ... xảy ra hơn một tháng trước đây, cần phải bị xử lý nghiêm, và những quy tắc, chế tài cũng phải sớm được ban hành. Trong nhiều năm qua, đã có khá nhiều hành động phản cảm ở Hội An được phản ánh đến cơ quan chức năng. Thế nhưng, vì "dĩ hòa vi quý" cho đó là cá biệt, nên địa phương hầu như chưa có động thái mạnh. Theo Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam, trong chín tháng đầu năm 2019, đơn vị này tiếp nhận 141 trường hợp kiến nghị, phản ánh của du khách về những bức xúc trong quá trình tham quan, nghỉ dưỡng ở Hội An và báo cáo về 80 vụ việc liên quan các trường hợp du khách bị cướp giật, mất tài sản, quấy rối... Những hình ảnh xấu kể trên ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành du lịch Hội An cũng như cả nước, có thể khiến du khách "một đi không trở lại".

Trên diện rộng, những việc làm phản cảm của một số người thiếu ý thức ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam xảy ra gần đây như, một du khách người Nhật Bản phải trả 2,9 triệu đồng cho một chuyến xích-lô 5 phút tham quan ở TP Hồ Chí Minh; cùng với các hiện tượng kinh doanh "chặt chém", đeo bám du khách, cướp giật... xảy ra tại một số điểm đến, khiến hình ảnh du lịch Việt Nam đang trở nên kém hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Những hành vi phản cảm ấy đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực xây dựng môi trường du lịch, điểm đến an toàn, thân thiện, nhất là việc bảo đảm môi trường du lịch tại các điểm tham quan; cũng như môi trường kinh doanh, môi trường ứng xử, giao tiếp văn minh... của chính quyền và cả cộng đồng. Ðể lấy lại hình ảnh du lịch Việt Nam, không ít lần chính quyền địa phương và ngành du lịch phải đứng ra xin lỗi du khách quốc tế.

Trước những thực trạng bất cập hiện nay, các cơ quan chức năng và địa phương cần phải mạnh tay xử lý những hành vi xấu, làm méo mó hình ảnh du lịch, đất nước và con người Việt Nam. Thanh tra du lịch, các ngành chức năng địa phương nơi có điểm đến du lịch cần nhanh chóng giải quyết các sự cố; áp dụng những chế tài xử lý nghiêm minh để răn đe, hạn chế những hành vi xấu xí nêu trên. Thậm chí, một số chuyên gia còn đề xuất lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các trung tâm du lịch lớn theo mô hình ở các nước phát triển du lịch. Ðiều quan trọng nữa là phải thay đổi tư duy làm du lịch kiểu ăn xổi, chộp giật đang tồn tại trong một bộ phận cộng đồng. Làm sao để mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu, điểm du lịch có trách nhiệm tham gia phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và phòng, chống các tệ nạn xã hội; các hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch. Có như vậy, ngành du lịch nước ta mới thu hút được lượng du khách tăng trưởng đều để Việt Nam luôn là điểm đến đáng mơ ước trong mắt bạn bè quốc tế.