Giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Hà Tĩnh

NDO -

NDĐT- Chiều 26-4, tại khách sạn Vinpearl Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo kết nối đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, nhằm đưa ra những phương hướng, giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng du lịch trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham gia Hội thảo có lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; đại diện các tỉnh: Nakhon Phanom, Udon Thani, Bung Kan, Nong Khai, Khon Kaen (Thái-lan); thủ đô Viêng Chăn, Khăm Muộn, Bôlykhămxay (Lào); các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Kiên Giang… doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); các nhà nghiên cứu, chuyên gia và người làm công tác du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp làm du lịch hàng đầu như: Vingroup, FLC, T&T, Saigontourist, Viettravel; các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways.

Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, trên “tuyến du lịch xuyên Việt” và “Con đường di sản miền trung”, một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang kinh tế Đông - Tây”, với hệ thống giao thông đường bộ (QL 1A, QL 8, QL12, QL 15, đường Hồ Chí Minh), đường sắt và đường thủy nối các trung tâm du lịch lớn và các tỉnh trong cả nước, với nước bạn Lào qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình)...

Với gần 137 km đường bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thạch Bằng, Thiên Cầm, Kỳ Ninh… và là nơi cung cấp nhiều hải sản tươi ngon, là thế mạnh để phát triển du lịch biển.

Các di tích danh thắng nổi tiếng ở Hà Tĩnh như núi Hồng - sông La, bến Tam Soa - Tùng Lĩnh, đèo Ngang - Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, Ngàn trươi, Cẩm Trang, Vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, Quỳnh Viên - Nam Giới... luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ ca, âm nhạc. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản như: Bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, mực nháy Vũng Áng… có giá trị phục vụ khách du lịch.

Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú, được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như: Hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; hát ví dặm đò đưa dọc sông La, múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng; hò Thạch Khê... Con người Hà Tĩnh cần cù, thân thiện, mến khách, sống nghĩa tình, thủy chung, luôn để lại tình cảm sâu lắng cho khách du lịch sau mỗi chuyến đi, góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một trong những điểm đến ấn tượng.

Trong Hội thảo các bài tham luận được trình bày đã đưa ra được một số khuyến nghị nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch Hà Tĩnh; thu hút đầu tư, kết nối các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước có nguyện vọng đầu tư vào Hà Tĩnh; thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư du lịch trên địa bàn.

Ngoài ra, Hội thảo còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Hà Tĩnh; tạo điều kiện cho du lịch Hà Tĩnh phát triển bền vững theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.

Cũng tại Hội thảo, đã diễn ra việc ký kết đầu tư, biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư các dự án vào lĩnh vực du lịch và du lịch biển tại Hà Tĩnh.

Thông qua Hội thảo, bằng những đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành Du lịch trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Hà Tĩnh; cùng với những nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị kinh doanh du lịch tại Hà Tĩnh; ngành Du lịch Hà Tĩnh sẽ từng bước khẳng định hình ảnh, thương hiệu của mình trong thời gian tới.

Bên lề Hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan, khảo sát các điểm du lịch để xây dựng tour tuyến; dự lễ khai trương mùa du lịch biển Hà Tĩnh tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), vào tối 26-4.