Ðể hỗ trợ du lịch hiệu quả

Trong bối cảnh xúc tiến, quảng bá vẫn đang là "điểm nghẽn" của ngành du lịch Việt Nam, việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (Quỹ) được coi là động lực then chốt nhằm gỡ khó vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, Quỹ vẫn chưa thể đi vào vận hành chính thức. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp, khuyến nghị để có thể triển khai Quỹ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động hiệu quả sẽ góp phần thu hút du khách đến Việt Nam. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: SƠN TUẤN
Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động hiệu quả sẽ góp phần thu hút du khách đến Việt Nam. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: SƠN TUẤN

Ngày 12-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 49/2018/QÐ-TTg về việc thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2019, song tới thời điểm hiện tại, Quỹ vẫn chưa thể hoạt động. Lý giải nguyên nhân, tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần hai vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, trong quá trình triển khai thành lập Quỹ gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, theo quy định, Quỹ phải chủ động hoàn toàn về nguồn kinh phí để thực hiện chi thường xuyên. Tuy nhiên, nguồn chi chủ yếu là dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch, trong khi đây lại là hoạt động không sinh lời. Vì thế, để bảo đảm nguồn chi thường xuyên này, cần có sự làm việc và thống nhất với nhiều đơn vị liên quan để giải quyết.

Với mục đích tháo gỡ những vướng mắc để đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sớm đi vào hoạt động, Hội đồng Tư vấn du lịch đã chủ động đề nghị hai nhóm chuyên gia hỗ trợ đánh giá và tư vấn trên cơ sở so sánh với các kinh nghiệm, thực tiễn thành công ở một số nước. Một đề án do dự án Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) thực hiện với sự tài trợ của Thụy Sĩ; một đề án do Cơ quan Phát triển quốc tế châu Âu AECOM (Tây Ban Nha) thực hiện với sự tài trợ của Liên hiệp châu Âu. Tại đề án của SSTP, các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về nguồn thu thường xuyên để bảo đảm hoạt động của Quỹ. Theo quy định, vốn điều lệ của Quỹ là 300 tỷ đồng được ngân sách trung ương cấp trong ba năm đầu sau khi thành lập. Kinh phí hoạt động hằng năm do ngân sách trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài, bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan và từ các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện… Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, việc trông đợi nguồn thu từ lệ phí cấp thị thực sẽ không bền vững bởi xu thế chung là hướng tới việc hủy bỏ phí cấp thị thực đối với khách quốc tế nhằm tăng tính cạnh tranh du lịch, thu hút thêm du khách. Thêm nữa, Quỹ huy động nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp nhưng chưa có những quy định rõ ràng về sự tham gia của khối doanh nghiệp trong việc vận hành, giải ngân Quỹ. Trong khi đó, để phát triển một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm, phải có mối quan hệ đủ mạnh giữa nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia và khu vực tư nhân là người trực tiếp liên quan sử dụng cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, đề án nghiên cứu của các chuyên gia AECOM đã chỉ ra: Theo quy định, cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm ba vị trí: Chủ tịch Quỹ, Giám đốc Quỹ cùng bộ máy giúp việc, và kiểm soát viên đều được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm trực tiếp. Mô hình này sẽ hạn chế về mặt quản trị và khác biệt so với thực tiễn quốc tế bởi không thể hiện được sự tham gia tích cực của cả khu vực công và tư trong mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Trong quy định về các nhiệm vụ chính của Quỹ liên quan xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch - đơn vị đang đóng vai trò tích cực trong các hoạt động này cũng chưa được đề cập. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ của Quỹ với Tổng cục Du lịch để tránh chồng chéo vai trò, giảm hiệu quả trong hoạt động… Các đề án cũng đưa ra cách thức vận hành quỹ hỗ trợ du lịch của một số nước trên thế giới để Việt Nam có thể tham khảo. Chẳng hạn, Quỹ Xúc tiến du lịch Hàn Quốc được Ủy ban điều hành Quỹ Giám sát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm, trong đó có các thành phần là doanh nghiệp với nguồn thu từ ngân sách chính phủ, phí xuất cảnh quốc tế, kinh doanh sòng bài… Quỹ Xúc tiến Hội nghị Thái-lan được Ban quản trị quản lý do Hiệp hội Khuyến thưởng và Hội nghị Thái-lan (TICA) bổ nhiệm (bao gồm các thành viên thuộc cả khu vực công và tư), với đóng góp từ ngân sách chính phủ, Hãng hàng không Thai Airways International, thành viên sáng lập (hơn 70 công ty), các sự kiện gây quỹ, Hoàng gia Thái-lan…

Trên cơ sở đó, trong báo cáo, kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia Hội đồng Tư vấn du lịch khuyến nghị Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam cần được sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế hoạt động theo hướng là quỹ hợp tác đối tác công - tư, có sự tham gia tích cực, hiệu quả từ khối doanh nghiệp du lịch, hàng không, với tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình cao nhất trước Nhà nước và xã hội trong các hoạt động. Quỹ cần có một hội đồng quản trị đa dạng, bao gồm những đại diện về quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà tài trợ lớn và một số thành viên độc lập. Khi đó, ngoài việc sử dụng hiệu quả các nguồn thu từ ngân sách trung ương, việc thu hút các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài cho Quỹ mới có tính khả thi cao. Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đề xuất nguồn thu chính của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch nên là phí du lịch hoặc thuế du lịch để bảo đảm tính bền vững. Theo AECOM, thuế du lịch được định nghĩa là thuế đặc biệt đánh vào khách du lịch, thường thông qua các doanh nghiệp có giao dịch với khách du lịch. Thuế du lịch có thể là thuế nhập cảnh tại các sân bay, cảng, cửa khẩu biên giới, thuế khách sạn hoặc các loại thuế cụ thể khác của ngành du lịch… Nghiên cứu cho thấy, việc đánh thuế khách du lịch tại nhiều điểm đến, quốc gia đang có xu hướng tăng bởi khả năng quản lý nguồn thu dễ dàng và hiệu quả trong thực tế.