Du lịch nội địa ghi nhận dấu hiệu tích cực

NDO -

Sau hai tháng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ đầu tháng 5-2020 nhằm kích cầu du lịch nội địa và tạo đà tái khởi động hoạt động du lịch, ngành du lịch đã bước đầu ghi nhận nhiều sự khởi sắc của thị trường du lịch nội địa. 

Đà Nẵng,-"thành phố của những cây cầu" đón khách du lịch nội địa tăng cao trở lại sau thời gian giãn cách vì Covid-19 (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Đà Nẵng,-"thành phố của những cây cầu" đón khách du lịch nội địa tăng cao trở lại sau thời gian giãn cách vì Covid-19 (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Lao đao vì Covid-19

Tổng cục Du lịch cho biết, sau tháng 1-2020 đạt mức tăng trưởng khách quốc tế kỷ lục gần 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam tăng trưởng rất mạnh. Khách du lịch nội địa trong tháng 1-2020 đạt 7,3 triệu lượt, tăng 11%.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 1-2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng. Kể từ ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố Covid-19 đại dịch toàn cầu, với việc các quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới ứng phó với sự lây lan của Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ hoàn toàn. Ngành du lịch toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đã thực sự bước vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế trong đến Việt Nam giảm 57% so với cùng kỳ năm 2019 khi chỉ có gần 3,7 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt chỉ đạt 23 triệu lượt, giảm gần 50%. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong sáu tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động. Thị trường du lịch ảm đạm đã khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép. Nhiều lao động trong ngành du lịch rơi vào cảnh bị mất việc làm.

Hồi sinh từ thị trường nội địa 

Ngay sau khi khống chế thành công đại dịch trong nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhanh chóng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ đầu tháng 5-2020. Chương trình này được các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương hưởng ứng nhiệt tình và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Các hãng lữ hành trong nước đã chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, giá thành hợp lý hiếm có. Thí dụ, công ty FlamingoRedTour đã tung ra các gói du lịch nội địa kích cầu như Cần Thơ - Sóc Trăng- Bạc Liêu - Cà Mau (4 ngày 3 đêm) xuất phát từ Hà Nội chỉ với 6.390.000 đồng, Hà Nội- Nha Trang (5 ngày 4 đêm) với giá 7.290.000,... 

Công ty Dịch vụ Lữ hành SaigonTourist triển khai chương trình du lịch kích cầu "Du lịch Việt Nam điểm đến sáng tươi" kết hợp cùng Viet Nam Airlines tới hàng loạt điểm du lịch tại miền trung và miền nam với giá tour trọn gói chỉ từ 3.690.000 đồng. 

Du lịch nội địa ghi nhận dấu hiệu tích cực -0
Các tour nội địa theo giá kích cầu tạo điều kiện cho nhiều gia đình cùng nhau trải nghiệm thư giãn sau thời gian giãn cách (Ảnh: BÔNG MAI)

Tham gia chương trình này trong tháng 6, anh Nguyễn Hải Chính ở Hà Nội chia sẻ: “giá tour trọn gói Hà Nội-Phú Quốc 4 ngày 3 đêm là 5.490.000/ người là một mức giá khá hợp lý. Gia đình tôi cũng như bao gia đình trẻ khác đã có dịp cùng bố mẹ hai bên nội, ngoại được cùng nhau trải nghiệm những phút giây thư giãn thảnh thơi sau thời gian dài giãn cách vì Covid-19”.  

Nhiều hãng lữ hành, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng đồng loạt tung ra các tour đặc biệt như trải nghiệm trên du thuyền 4-5 sao, nghỉ dưỡng ở các khu resort chuẩn thế giới với giá ưu đãi đặc biệt cho khách nội địa. Trong thời gian trước đại dịch Covid-19, đây vốn là những loại hình nghỉ dưỡng hút đối tượng du khách nước ngoài, những người có điều kiện khá giá.

Có thể kể đến gói “Trải nghiệm dịch vụ thượng lưu trên du thuyền Emperor (Nha Trang)” của Vietravel với giá 1.100/khách cho một hành trình. Hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp từ Bắc tới Nam như Legacy Yên tử,  Amanoi Resort Ninh Thuận, Six Senses Ninh Vân Bay Khánh Hòa,  InterContinental Đà Nẵng,… cũng tung ra các gói nghỉ dưỡng giảm giá hiếm có cho khách nội địa. 

Thị trường du lịch trong nước nhộn nhịp trở lại thậm chí đã gây chú ý với truyền thông nước ngoài. Hãng tin Reuters của Anh hôm 26-6 đã đăng tải một bài về du lịch Việt Nam, trong đó nhận định chỉ riêng trong tháng 7, dự kiến có hơn 26.000 chuyến bay hoạt động chuyên chở 5 triệu hành khách, tăng từ 16 tới 25% so với năm ngoái.

Du lịch nội địa ghi nhận dấu hiệu tích cực -0
Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên tử (Quảng Ninh) cũng giảm giá ưu đãi, thu hút khách nội địa (Ảnh: IVIVU) 

Reuters còn dẫn lời Giám đốc công ty Minh Viet Booking Nguyen Thi Thuy Anh cho hay, nhiều người trước đây không có đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ 5 sao giờ đây đang tận hưởng dịch vụ này nhờ vào các chương trình giảm giá. Theo bà Thuy Anh, điều này có được là nhờ những nỗ lực của T.Ư và địa phương tại Việt Nam nhằm kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Phân tích của Reuters về dữ liệu chuyến bay từ FlightRadar24 cũng cho thấy, sau khi các biện pháp hạn chế ngăn chặn Covid-19 được dỡ bỏ từ cuối tháng 4, tính đến giữa tháng 6, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đảo Phú Quốc và vịnh Cam Ranh là những điểm đến hàng đầu tại Việt Nam.  

Hai tháng sau khi phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, du lịch trong nước đã đem lại những tin tức lạc quan. 

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho hay, lượng chuyến bay trong nước của các hãng hàng không đã hồi phục và nhiều đường bay nội địa mới được mở ra với sản lượng từ giữa tháng 6 vượt 20% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng lưu trú đã tăng 50-60% vào ngày giữa tuần và 80-90% cuối tuần. Lượng khách nội địa tháng 6-2020 đạt 7 triệu, lượt tăng 2,3 lần so với tháng 5-2020.

Riêng tại Đà Nẵng, Thông tin từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, sau một tháng triển khai chương trình kích cầu du lịch "Danang Thank You", tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong tháng 6-2020 ước đạt 454.764 lượt, tăng 85% với tháng 5-2020.

Tại các điểm du lịch chính của thành phố đã đón 191.000 lượt khách; trong đó Khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills đón 130.000 lượt; Khu du lịch Núi Thần Tài đón 33.000 lượt; Khu du lịch Ngũ Hành Sơn và Bảo tàng Đà Nẵng đón 28.000 lượt khách. 

Hiện nay, 95% các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Lượng khách do các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ trong tháng 6 tăng 60% so với tháng 5; công suất phòng bình quân đạt khoảng 30%, so với 18% trong tháng 5.

Với đà phục hồi như hiện nay, dự kiến thành phố Đà Nẵng sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách trong năm 2020. 

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, tính từ ngày 15-5 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón gần 1,3 triệu lượt khách du lịch, với doanh thu ước tính đạt hơn 2.700 tỷ đồng. 

Lượng du khách tới Quảng Ninh gia tăng đáng kể, từ lúc chỉ có gần 100 khách/ngày vào những ngày thường, đến nay đã tăng dần lên 3.500 – 4.000 khách/ngày. Đặc biệt, vào những ngày nghỉ lễ, cuối tuần, lượng khách luôn đạt hơn 20.000 khách/ngày, trong đó có ngày lên tới gần 30.000 khách, tương đương với những ngày cao điểm trước dịch Covid-19.

Đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang cũng ghi nhận đà tăng trưởng lượng khách du lịch tích cực trong tháng 6. Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, hiệu quả của các chương trình kích cầu du lịch nội địa để thu hút du khách trở lại được thể hiện bằng con số ước đạt 69.696 lượt khách tới Phú Quốc. Mặc dù giảm 84,5% so cùng kỳ nhưng đã tăng gần gấp đôi so với tháng 5. Trong đó, lượng khách nội địa là chủ yếu, khách quốc tế chỉ ước đạt 2.448 lượt, giảm 95,1% so cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch tại Phú Quốc ước đạt 117,7 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu lạc quan, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi xu hướng du lịch thế giới sẽ có sự thay đổi hậu Covid-19. 

Tại Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020 diễn ra ngày 7-7 tại Hà Nội, theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ngành du lịch cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Mục tiêu là để du lịch nội địa tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, lan tỏa sâu rộng và bền bỉ, tạo thành xu hướng người Việt Nam đi du lịch trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, đây là yếu tố then chốt, bảo đảm sự phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh Tổng cục Du lịch chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức hoạt động du lịch quốc tế ngay sau khi Chính phủ cho phép mở lại. Bộ trưởng nhận định, du lịch khu vực và thế giới hậu Covid-19 sẽ cạnh tranh rất quyết liệt để giành thị trường khách. Ngành Du lịch Việt Nam cần chủ động, sẵn sàng để nắm bắt cơ hội một cách hiệu quả ngay khi điều kiện cho phép.