“Biệt đội” bảo vệ di sản

Nhiều năm qua, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn bị những kẻ trộm cổ vật xâm hại và đứng trước nguy cơ bị các dự án xây dựng xóa sổ. Nhưng nhiều lần, những hành vi phá hoại, xâm phạm đã bị ngăn chặn. Người dân nơi đây bảo vệ di sản trên quê hương mình bằng tình yêu tha thiết nhất. Họ được thân mật gọi là “biệt đội” bảo vệ di sản.

Ông Phạm Văn Hùng trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Huy về các hiện vật sưu tầm được ở Vườn Chuối.
Ông Phạm Văn Hùng trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Huy về các hiện vật sưu tầm được ở Vườn Chuối.

Trời hè, tranh thủ lúc nắng chưa lên, ông Thắng cưỡi xe máy đi "thăm vườn". Ông vỗ vỗ vào chiếc túi đeo bên sườn: "Mình dân làng nhiếp ảnh mà. Lúc nào cũng phải thủ chiếc máy ảnh theo. Còn ghi lại bằng chứng về việc đào trộm cổ vật chứ". Từ làng Lai Xá ra chỗ để "thăm vườn" chỉ mất ít phút đi xe máy. Ông Thắng dựng xe, lặn lội vào "khu vườn" ngó chỗ nọ, nghiêng chỗ kia. Ông gật gù ra chừng phấn khởi. Nay không thấy chỗ nào "khả nghi". Nơi ông Thắng đi "thăm vườn" chính là phức hợp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thuộc thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội). Lai Xá vốn có tiếng là quê hương của nghề nhiếp ảnh, nay lại xuất hiện trên "bản đồ văn hóa", với tư cách địa bàn có di chỉ khảo cổ thuộc hàng quan trọng nhất của Việt Nam. Tổng diện tích khu Vườn Chuối lên tới 2 ha. Khu đất rộng mênh mông có ba gò chính: Vườn Chuối, Mỏ Phượng, Dền Rắn.

Cả thảy, các nhà khoa học đã chín lần khai quật khảo cổ. Lần nào cũng thu được nhiều hiện vật quan trọng. Không học khảo cổ ngày nào, nhưng ông Thắng giải thích khá rành rẽ về các thời đại văn hóa, ông nhớ từng vị trí đào được các hiện vật quan trọng, từng khu vực mà bọn trộm cổ vật hay "ghé thăm". "Hồi mình còn bé, người dân đã nhặt được cổ vật ở Vườn Chuối đem về. Nhưng lúc ấy chưa ai biết giá trị. Sau này, các nhà khoa học về khai quật thì mới vỡ lẽ. Cũng vì thế mà bọn trộm cổ vật hay "viếng thăm". Bọn mình bảo nhau phải canh chừng. Cứ rảnh là bọn mình lại ra thăm vườn xem có biến động gì không".

Ông Nguyễn Văn Thắng vốn là bộ đội về hưu, rồi làm Trưởng thôn Lai Xá cả chục năm. Chính trong thời gian ấy được tham gia hỗ trợ các nhà khoa học trong quá trình bảo quản, vệ sinh hiện vật khảo cổ, ông hiểu và thêm yêu những thứ, vốn trong mắt nhiều người chỉ là mảnh gốm vỡ, hay những mảnh đồng gỉ, tưởng như vô tri. Chính ở cánh đồng này, qua kết quả nghiên cứu từ các đợt khai quật hiện vật, các nhà khoa học đã xác định được người Việt cổ cư trú liên tục qua các thời đại văn hóa: Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn. Trong đó, niên đại của văn hóa Ðồng Ðậu cách ngày nay tới 3500 năm. Ðến năm 2010, ông Thắng không làm trưởng thôn nữa, nhưng hễ có người đến Lai Xá muốn hỏi về di chỉ Vườn Chuối, dân làng lại chỉ thẳng đến nhà ông Thắng. Ðã hơn 70 tuổi, nhưng ông Thắng rất rành công nghệ. Phát hiện thấy di tích bị xâm phạm, lập tức ông chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội; chuyển cho các phóng viên báo chí hình ảnh hiện trường…

Kết thúc buổi đi thực địa, ông Thắng không về nhà ngay. Ông rẽ qua nhà ông Phạm Văn Hùng, người cùng làng để bàn bạc công việc. Chỉ ít ngày nữa, Bảo tàng Nhân học phối hợp Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá tổ chức triển lãm "Di sản khảo cổ học Vườn Chuối: Cuộc đối thoại từ cộng đồng". Ðấy là một sự kiện lớn với người Lai Xá. Những bức ảnh, những câu, từ "kể chuyện" về di chỉ khảo cổ đã được in xong. Giờ chỉ chờ các nhà khoa học lựa chọn hiện vật và thực hiện trưng bày. Hiện vật sẽ được chọn ra từ những lần khai quật, và từ sưu tập do chính người dân nơi đây lưu giữ. Ông Hùng chính là một trong những người đóng góp hiện vật cho cuộc triển lãm sắp tới.

Khu Vườn Chuối trước kia được người dân Lai Xá trồng làm hoa màu. Có thời, cứ cuốc lên là gặp cổ vật. Người ta nhặt về phần nhiều vì tò mò. Ông Hùng cũng thế. Ngày trước, chưa hiểu gì, nhưng tiếc rẻ, ông cũng gom lại. Sau này, có thời gian ông làm đội trưởng đội an ninh trật tự thôn, ông tham gia bảo vệ hiện vật khảo cổ. Ông Hùng cứ đứng "hóng" chuyện của các nhà khoa học. Ông tò mò, ông thấp thỏm. Ai mà ngờ được những mảnh gốm, mảnh đồng lại chất chứa lịch sử mấy nghìn năm. Ai mà ngờ được còn bao nhiêu bí ẩn nằm dưới mảnh đất quê hương ông. Và những bí ẩn ấy, liên quan đến cả lịch sử Thủ đô, lịch sử dân tộc. Khi nghe các nhà khoa học bảo rằng, Vườn Chuối là minh chứng cho quá trình sinh sống liên tục, lâu dài, minh chứng cho xuất xứ bản địa của các nền văn hóa, ông càng thêm trân quý những gì mình nhặt được. Ðến khi Vườn Chuối được quy hoạch làm khu đô thị, các loại máy đến san ủi, thì những mảnh vỡ từ quá khứ lộ ra; rồi khi bọn trộm đào cổ vật, chúng không đem đi hết những thứ ít giá trị, ông lại đi lượm lấy. Nghe người dân nhặt được hiện vật, ông đến xin về. Người ta không cho, ông xin mua lại. Số lượng hiện vật dày lên theo năm tháng…

Ðược sự hỗ trợ của các nhà khoa học, bộ sưu tập của ông Hùng được trình bày gọn ghẽ, đẹp mắt. Ðó là những chiếc dao găm, rìu, mũi tên… bằng đồng; là những chiếc bình, chiếc bát gốm thô mộc. Có cả những hiện vật bằng xương thú, bằng đá. Bây giờ thì ông có thể thuyết trình khá rành rẽ về những hiện vật mình đã gom nhặt được, từ niên đại cho đến công dụng của từng hiện vật. Ông nghiêm cẩn giữ gìn, vệ sinh hiện vật, từ những "mẹo" học được khi các nhà khoa học thực hiện công tác bảo quản. Có những mẩu gốm, mảnh đồng không có giá trị kinh tế, ông Hùng vẫn giữ lại. Biết đâu đấy, nó lại phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Câu chuyện giữa ông Hùng và ông Thắng diễn ra trong những ưu tư. Mừng là vì sắp tới triển lãm sẽ cho người xem thấy rõ hơn giá trị vô cùng quý báu của di chỉ Vườn Chuối, thấy rõ hơn tấm lòng của người dân Lai Xá với di sản cổ xưa. Nhưng phần lo thì nhiều hơn. Mỗi lần có sự kiện gì liên quan đến di chỉ khảo cổ học Lai Xá, là sau đấy, bọn trộm cổ vật lại tăng tốc đào bới. Ông Hùng bảo: "Khoảng chục năm nay, năm nào chúng tôi cũng bắt được vài vụ đào trộm. Có lần, bọn chúng vội vàng tháo chạy, để lại cả máy móc dò kim loại rất hiện đại. Mà đáng lo là chúng đào rất "chuẩn", luôn đào trúng hiện vật quan trọng".

Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, di chỉ Vườn Chuối tương ứng với lịch sử thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước. Hiếm có di chỉ khảo cổ nào độc đáo như di chỉ Vườn Chuối khi có các tầng văn hóa liên tục, kéo dài hàng nghìn năm. Nhưng cũng hiếm có di chỉ nào số phận long đong như di chỉ này. Ðược khai quật lần đầu từ năm 1969 và đã được làm rõ giá trị. Tuy nhiên, năm 2007, toàn bộ di chỉ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Gần đây, đường vành đai 3,5 nối từ đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 32 cũng được quy hoạch chạy qua di chỉ. Những người có trách nhiệm ở Lai Xá vừa chống trộm, lại vừa phải cảnh giác với những lần chủ đầu tư các dự án cho máy móc san ủi liệu có đúng quy định hay không. Người dân gọi những người như ông Thắng, ông Hùng là "biệt đội" bảo vệ di sản. Nhưng nếu chỉ mình "biệt đội" thì lo không xuể. Phải dựa vào nhân dân… Và để dân hiểu, dân yêu, dân trách nhiệm thì phải nói đến vai trò cụ Ðặng Tích - bậc "lão trượng" của làng.

Ðã sắp sang tuổi 90, cụ Ðặng Tích vẫn cầm iPad thoăn thoắt mở tư liệu mà không cần dùng kính. Giọng cụ sang sảng: "Nói có sách, mách có chứng các anh ạ. Tư liệu về Vườn Chuối thì rõ ràng. Tôi có cả tư liệu về các nhà khoa học quốc tế đánh giá về di chỉ Vườn Chuối đây". Cụ Tích tự tay đánh máy, tổng hợp rất nhiều tư liệu về Lai Xá, Vườn Chuối thành những tập sách nhỏ để… tuyên truyền. Nói rồi, cụ đọc những câu thơ mình viết về di chỉ, về hiện vật khảo cổ, về quê hương. Những câu thơ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Chính nhờ thế, nó đi vào lòng người Lai Xá. Cộng với uy tín của cụ trong làng, người Lai Xá đều ý thức về công tác bảo tồn một di chỉ văn hóa quý cho quê hương và rộng hơn là cho cả nước. Chưa hết, "biệt đội" còn bố trí để các cháu học sinh tiểu học tham gia vệ sinh những di vật tìm được, như một cách để truyền tải tình yêu. Hễ thấy sự lạ là người dân báo với "biệt đội" bảo vệ di sản, đồng thời báo cáo với chính quyền. Nhiều lần như thế, UBND thành phố Hà Nội can thiệp, đình chỉ thi công. Nếu không có những hành động kịp thời và quyết tâm cao ấy của những người dân hết lòng với di sản, tình cảnh di chỉ bây giờ thậm chí còn tệ hơn.

Sau cuộc khai quật khảo cổ năm 2019, Hà Nội tạm đưa ra phương án bảo tồn 6.000 m2 nửa phía đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. 6.000 m2 nửa phía tây sẽ khai quật, nghiên cứu rồi giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3,5. Ðối với di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, sẽ tiến hành khai quật nghiên cứu rồi xây dựng khu đô thị. Giải pháp này được xem là vừa thực hiện bảo tồn, vừa phục vụ cho sự phát triển. Người Lai Xá mong muốn được quan tâm bảo tồn hơn thế. Dẫu vậy, ngay cả biện pháp "bảo tồn một nửa" vừa nêu, dù đã được đề xuất từ cuối năm 2019 vẫn chưa thấy chuyển biến. Việc công nhận di tích như các nhà khoa học đề xuất với di chỉ Vườn Chuối, dường như còn rất xa vời. "Biệt đội" bảo vệ di chỉ ngày nào cũng lo lắng, không biết lúc nào xe ủi lại đến, ủi bay mất những di sản quý báu của cha ông. "Chúng tôi sợ trộm cổ vật viếng thăm. Nhưng còn sợ xe ủi hơn thế", ông Thắng trầm ngâm.