Vỏ ốc cổ đại 18.000 năm tuổi vẫn có thể cất thành giai điệu

NDO -

Một chiếc vỏ ốc xà cừ lớn bị lãng quên trong viện bảo tàng trong nhiều thập kỷ vừa được các nhà khoa học xác định là nhạc cụ làm bằng vỏ sò lâu đời nhất được biết đến, và nó vẫn hoạt động, tạo ra một âm thanh trầm đục, âm u từ quá khứ xa xôi.

Bức tranh tái tạo cảnh người tiền sử đang chơi nhạc cụ vỏ ốc. Tác giả: Gilles Tosello.
Bức tranh tái tạo cảnh người tiền sử đang chơi nhạc cụ vỏ ốc. Tác giả: Gilles Tosello.

Chiếc vỏ được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 1931 từ một hang động kèm với những bức vẽ trên tường thời tiền sử ở dãy núi Pyrenees của Pháp và từng được cho là một chiếc cốc uống nước trong nghi lễ.

Gần 80 năm sau khi phát hiện, các nhà khảo cổ học từ Đại học Toulouse  đã có một cái nhìn mới mẻ và xác định rằng nó đã được chế tác từ hàng nghìn năm trước để phục vụ như một nhạc cụ hơi. Họ mời một tay chơi sừng sỏ người Pháp thử chơi nó.

Vỏ sò cổ đại 18.000 năm tuổi vẫn có thể cất thành giai điệu -0
Với chiều cao 31 cm, đường kính điểm rộng nhất là 18 cm và dày tới 0,8 cm, chiếc vỏ ốc xà cừ này ở vùng biển lạnh hơn, do đó lớn hơn và dày hơn những vỏ ốc gần đây. Ảnh: Carole Fritz .

Nhà khảo cổ học Carole Fritz cho biết: “Lần đầu tiên nghe âm thanh từ nó, đối với tôi đó là một cảm xúc lớn đầy căng thẳng”.

Bà sợ rằng nhạc công chơi chiếc vỏ ốc cổ dài 31 cm có thể làm hỏng nó. Nhưng không, nhạc cụ cổ này đã tạo ra các nốt thanh âm rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu ước tính nó khoảng 18.000 năm tuổi. Phát hiện của họ đã được công bố hôm 10-2 trên tạp chí Science Advances.

Vỏ ốc xà cừ đã được sử dụng rộng rãi trong các truyền thống âm nhạc và nghi lễ, cả ở Hy Lạp cổ đại, Nhật Bản, Ấn Độ và Peru. Dụng cụ vỏ sò được tìm thấy trong hang Marsoulas hiện là thí dụ lâu đời nhất được biết đến.

Vỏ sò cổ đại 18.000 năm tuổi vẫn có thể cất thành giai điệu -0
Hai mặt của một vỏ ốc xà cừ cổ được phát hiện trong một hang động ở Pháp với các bức vẽ trên tường thời tiền sử vào năm 1931. Ảnh: Carole Fritz.

Trước đây, một nhạc cụ bằng vỏ ốc xà cừ được tìm thấy ở Syria đã có niên đại khoảng 6.000 năm tuổi, một nhà khảo cổ học khác của Toulouse, ông Gilles Tosello cho biết.

Phát hiện mới nhất được thực hiện sau một cuộc kiểm kê gần đây tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Toulouse. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những chiếc lỗ đục trên vỏ khá bất thường. Đáng chú ý là phần chóp của vỏ bị vỡ ra, tạo ra một lỗ đủ lớn để thổi qua. Theo ông Tosello, việc kiểm tra bằng kính hiển vi cho thấy vết hở là kết quả của sự khéo léo có chủ ý chứ không phải do ngẫu nhiên.

Bằng cách đưa một camera y tế nhỏ vào, họ phát hiện ra một lỗ khác đã được khoan cẩn thận ở khoang bên trong của vỏ ốc. Họ cũng phát hiện dấu vết của sắc tố đỏ trên miệng của ốc xà cừ, khớp với một hoa văn trang trí được tìm thấy trên tường ở trong hang Marsoulas.

Nhà khảo cổ học Margaret Conkey, Đại học California, Berkeley, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Đây là cuộc khảo cổ thực sự tin cậy. Khám phá này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của người cổ đại phong phú và phức tạp hơn nhiều so với chỉ những công cụ bằng đá và trò chơi”.

Bà Conkey và các nhà nghiên cứu cho biết, hang động Marsoulas không nằm gần đại dương, vì vậy người tiền sử phải di chuyển khắp nơi hoặc sử dụng mạng lưới giao dịch để có được vỏ sò.

Vỏ sò cổ đại 18.000 năm tuổi vẫn có thể cất thành giai điệu -0
Bức tranh thời tiền sử miêu tả một con bò rừng trong hang động Pháp phát hiện vào năm 1931 cùng chiếc vỏ ốc. Ảnh: Carole Fritz.

Nhà soạn nhạc Rasoul Morteza ở Montreal, người đã nghiên cứu về âm học vỏ ốc xà cừ, không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Điều khiến vỏ ốc xà cừ trở nên thú vị là khoang xoắn ốc được tạo thành một cách tự nhiên trong việc cộng hưởng âm nhạc”.

Sử dụng một bản sao 3D, các nhà khảo cổ dự định tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu của nhạc cụ vỏ ốc. Ông Tosello cho biết ông hy vọng sẽ nghe thấy nhạc cụ cổ xưa được chơi bên trong hang động nơi nó được tìm thấy.

Ông nói: “Thật đáng kinh ngạc khi có một vật thể bị bỏ quên ở đâu đó, và đột nhiên nó lại xuất hiện sáng ngời”.