Ứng xử đúng tầm với bảo vật quốc gia (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Để bảo vật quốc gia trở thành “kho vàng” di sản

“Bảo vật quốc gia (BVQG) là những giá trị khác biệt thì phải được ứng xử khác biệt. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang ứng xử với BVQG như với một di tích, một cổ vật chứ chưa theo cơ chế đặc biệt cho một hiện vật đặc biệt” - đó là ý kiến của PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Để bảo quản tốt cũng như phát huy đầy đủ được giá trị BVQG, cần có những điều chỉnh thích hợp trong cơ chế, cách thức.

Tuy là Bảo vật quốc gia, nhưng Bộ Cửu đỉnh trong Thế Miếu (Đại Nội Huế) không hề có chú dẫn, nằm phơi mưa nắng, đang có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: NHẬT ANH
Tuy là Bảo vật quốc gia, nhưng Bộ Cửu đỉnh trong Thế Miếu (Đại Nội Huế) không hề có chú dẫn, nằm phơi mưa nắng, đang có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: NHẬT ANH

Cần thay đổi cách ứng xử với bảo vật quốc gia

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nhiều cổ vật trước khi trở thành BVQG có "đời sống của riêng nó", nhưng khi đã được vinh danh rồi thì phải sống một đời sống khác. Trừ ở một vài bảo tàng lớn thuộc khu vực trung ương, hiện tại phổ biến có hai cách ứng xử với BVQG.

Một là, giữ nguyên trạng như trước khi được công nhận; tình trạng này thường xảy ra với những BVQG nằm tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo... Cách ứng xử này tuy giữ nguyên được đời sống vốn có của bảo vật, nhưng lại khiến BVQG đối mặt với nhiều rủi ro như tác động của thiên nhiên (mưa, nắng, sự bào mòn của thời gian); tiếp xúc của con người gây tác động xấu đến bảo vật; và những rủi ro không mong muốn như bị đánh cắp, làm hư hại…

Hai là, cất bảo vật vào kho, cửa đóng then cài như ở nhiều bảo tàng địa phương và các khu di tích mà chúng ta đã biết. Cách này tuy bảo đảm an toàn cho bảo vật nhưng lại tước đi không gian sống và đời sống của BVQG, khiến giá trị của bảo vật không thể phát huy trọn vẹn. Theo PGS, TS Phương Châm, chúng ta cần phải dung hòa hai cách ứng xử trên với BVQG. Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đóng vai trò trung gian điều chỉnh các mối quan hệ với những đối tượng liên quan, bao gồm: khu di tích, bảo tàng, nhà trưng bày, bảo quản, chủ thể cổ vật, những người hiểu biết giá trị cổ vật, người dân, du khách…

Còn theo PGS, TS Ðặng Văn Bài, hiện nay chúng ta đang ứng xử với BVQG như với một di tích, một cổ vật chứ chưa theo một cơ chế đặc biệt cho bảo vật, bởi đã là BVQG mang những giá trị khác biệt, phải được ứng xử khác biệt. Theo ông, do nhận thức không đầy đủ dẫn tới "bệnh háo danh, bệnh hình thức" ở những địa phương sở hữu bảo vật. Nhiều địa phương lúc đón quyết định công nhận BVQG thì tổ chức lễ rất hoành tráng, tốn kém, nhưng sau đó không quan tâm bố trí kinh phí bảo vệ, bảo quản BVQG. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần cân nhắc điều chỉnh quy trình xét công nhận BVQG chặt chẽ và thực tế hơn. Chẳng hạn, yêu cầu địa phương, cơ sở khi trình hồ sơ xin xét công nhận BVQG thì phải kèm cả phương án bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật sau khi được công nhận (với kinh phí thực thi cụ thể). Trường hợp chưa có phương án như yêu cầu thì dù hiện vật đáp ứng đủ các tiêu chí vẫn kiên quyết đưa ra khỏi danh sách xét. PGS, TS Ðặng Văn Bài cho biết: "Tôi cũng sẽ đề xuất với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nếu cơ sở, địa phương nào không báo cáo hiện trạng cùng phương án bảo vệ, bảo quản các BVQG hiện có thì năm nay (2019) không nên gửi hồ sơ xin xét công nhận BVQG mới nữa".

Ở phía ngược lại, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ để khuyến khích làm hồ sơ xét công nhận BVQG; chế độ ứng xử trong lưu giữ, bảo quản BVQG và quảng bá tới cộng đồng, du khách cũng chưa được chú trọng. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia từng lưu ý: Việc quan tâm tới những sưu tập tư nhân - cánh tay nối dài của ngành di sản để lưu giữ, bảo tồn cổ vật chưa đúng mức, cho nên đến nay chưa có hiện vật thuộc sưu tập tư nhân nào được công nhận là BVQG, trong khi không ít địa phương lại đề cử những hiện vật chưa đủ tiêu chí.

Vì sao công chúng ít được biết đến BVQG; vì sao kể cả vào nhiều bảo tàng, công chúng đứng trước BVQG mà không biết đó là BVQG? Ðể tồn tại thực tế nêu trên là do các bảo tàng chưa quan tâm đến những thao tác đơn giản là chú giải, chỉ dẫn, thông tin về bảo vật dẫn đến thiếu đi những yếu tố cần thiết để phát huy giá trị BVQG tới người dân, du khách. Trước tình hình này, trước mắt, ngành di sản văn hóa cần yêu cầu các bảo tàng, khu di tích thống nhất cách thức chỉ dẫn, chú giải ưu việt nhất để thông tin về BVQG đến được với công chúng.

Muốn phát hiện, bảo vệ, phát huy giá trị BVQG - tài sản vô giá của đất nước, được trường tồn với thời gian cần phải có cơ chế bảo quản, chăm sóc đặc biệt cùng những ứng xử mẫu mực và khoa học.

Sớm khắc phục bất cập, hạn chế

PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng, quy trình xét công nhận BVQG qua các bước từ cơ sở đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tới Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, khá chặt chẽ và nghiêm túc. Tuy nhiên, bà nhận xét, tiêu chí công nhận BVQG còn khá rộng, vì mỗi bảo vật có cách đánh giá khác nhau, nếu dùng một hệ thống tiêu chí chung áp dụng cho nhiều loại bảo vật thì sẽ không hoàn toàn sát với thực tế, không khuyến khích các chủ thể cổ vật làm hồ sơ. Ngoài ra, vẫn còn nhiều BVQG sau khi được công nhận lại chưa có những quy định cụ thể ưu đãi chế độ bảo quản, lưu giữ, trong khi tại các cơ sở di sản ở các địa phương điều kiện vật chất còn đơn sơ, nghèo nàn cho nên BVQG hầu như chưa phát huy được giá trị. Ðây cũng là băn khoăn chung của nhiều cơ sở hiện đang lưu giữ, bảo quản BVQG khi chia sẻ với chúng tôi.

Một bất cập nữa là, các quyết định công nhận BVQG lại không đi kèm văn bằng như đối với các di tích, do đó, việc quảng bá, tôn vinh, phát huy bảo vật cũng bị hạn chế. Các chuyên gia di sản cho rằng, đây là khiếm khuyết do Luật Di sản văn hóa không có quy định về việc cấp bằng công nhận cho BVQG. Trước mắt để khắc phục, các chuyên gia về di sản đã đề xuất xây dựng một mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh các BVQG; thành lập quỹ tu bổ dành riêng cho BVQG, còn các cơ sở quản lý bảo vật phải hoàn thiện điều kiện để gìn giữ bảo vật ấy.

Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần có những đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về việc bảo vệ, bảo quản các BVQG; có chương trình hoặc đề án của Chính phủ để bảo vệ đặc biệt các BVQG. Ðể nâng cao tính hiệu quả, tính khả thi thì những vấn đề này phải được cụ thể hóa trong Luật Di sản văn hóa khi được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những người làm trong ngành di sản nhiều lần mong muốn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải xây dựng được một trung tâm có đủ chuyên môn cao nhất để bảo quản, tu sửa cổ vật, BVQG. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng phải có được một trung tâm tu sửa, phục chế tác phẩm mỹ thuật đẳng cấp có đội ngũ chuyên gia tay nghề cao và hàng đầu quốc gia. Luật Di sản văn hóa quy định, nếu bảo tàng địa phương, bảo tàng tư nhân chưa đủ điều kiện để bảo quản BVQG thì bảo tàng trung ương phải đỡ đầu hoặc cho địa phương, tư nhân gửi BVQG vào đó để bảo quản hộ.

Ngành di sản văn hóa và du lịch bắt tay nhau

Ngành di sản văn hóa có nhiệm vụ nghiên cứu, bảo quản, trưng bày BVQG. Nhưng để quảng bá BVQG thì ngành du lịch giữ một vai trò không nhỏ. BVQG là một giá trị văn hóa đặc biệt, nhưng đó là "giá trị ngủ". Ngành di sản văn hóa đang giữ cho quốc gia một "kho vàng" di sản lớn, trong đó có BVQG. Nhà nước và xã hội cần phải dành kinh phí để gìn giữ khối tài sản lớn ấy phục vụ khai thác lâu dài. Ðây là nguồn tài nguyên có thể tạo ra nguồn thu thông qua các hoạt động du lịch, một ngành kinh tế đang trở thành mũi nhọn của đất nước. Vì thế cần có cái nhìn kinh tế học trong di sản, chứ đừng coi bảo vệ di sản như là gánh nặng cho ngân sách.

Bản thân BVQG không thể trở thành sản phẩm du lịch nếu không kèm theo các dịch vụ, thông tin, kỹ thuật... và trí tuệ của con người. Cho nên xây dựng thương hiệu cho BVQG phải có bàn tay của ngành du lịch, với các cách thức chuyên môn của ngành. Gần đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 2393/QÐ-UBND công nhận 11 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các di tích đang lưu giữ các BVQG như: chùa Bút Tháp (có BVQG là tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay); chùa Phật Tích (nơi lưu giữ hai BVQG là tượng phật A di đà và bộ 10 linh thú đá); đền thờ Lê Văn Thịnh (nơi có BVQG là Tượng rồng đá)... Việc công nhận các điểm du lịch này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành chủ động trong việc lên kế hoạch xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch.

Còn theo Tổng cục Du lịch, từ năm 2018, Tổng cục và các bảo tàng thuộc Bộ VH-TT-DL đã triển khai thử nghiệm các tua du lịch như: "Lịch sử Việt Nam - Khám phá từ lòng đất", "Lịch sử Việt Nam - Bình minh trên các dòng sông" có kết nối Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tham quan phố cổ, và thưởng thức ẩm thực đường phố; hay tua du lịch "Mỹ thuật Việt Nam - Kho báu trong lòng Hà Nội" và "Làng quê Việt Nam - Một góc nhìn" với hành trình tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - chương trình nghệ thuật "Tâm hồn làng Việt" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Múa rối Việt Nam...

Như vậy đã có những tín hiệu "khởi động" từ ngành du lịch. Chúng ta cần tiếp tục có cơ chế, chính sách khuyến khích ngành du lịch kết hợp với ngành di sản văn hóa để thực hiện một dự án liên ngành, đầu tư một lần tổng thể cho xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm đến; cho công tác quảng bá BVQG trở thành "kho vàng" văn hóa, lịch sử, tâm linh và tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cùng với mở tua, tuyến mới, nên khuyến khích sản xuất các phiên bản BVQG kích thước nhỏ làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch. Làm thương hiệu cho BVQG thì các sản phẩm lưu niệm đi theo phải đồng bộ và phải giữ được bản quyền, đó mới là cách phát huy giá trị BVQG hiệu quả. Ngành du lịch và ngành di sản văn hóa cần sớm ngồi lại cùng nhau với vai trò trung gian là Nhà nước, để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù mang tên BVQG. Với sự liên kết chặt chẽ của hai ngành, chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được giá trị BVQG ở những tầm cao và chiều kích mới.

BVQG sẽ không thể phát huy đầy đủ giá trị nếu chỉ nằm mãi trong kho, không được ai biết tới. Chọn cách ứng xử phù hợp, đưa BVQG tới cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật là mong muốn của những người đang làm công tác di sản. Hy vọng, thời gian tới, những vướng mắc, khó khăn đang làm hạn chế việc bảo quản, phát huy giá trị BVQG sẽ được tháo gỡ, để BVQG được ứng xử và tôn vinh với đúng vị thế trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

* Bài 2: Chưa bảo vệ và phát huy hết giá trị bảo vật quốc gia

* Bài 1: Những báu vật “nằm im”

Các tiêu chí của Bảo vật quốc gia:
- Là hiện vật gốc độc bản;
- Là hiện vật có hình thức độc đáo;
- Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

(Khoản 21, Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009)

-----------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22 và 23-10-2019.