Ứng xử đúng tầm với bảo vật quốc gia (Kỳ 2)

Bài 2: Chưa bảo vệ và phát huy hết giá trị bảo vật quốc gia

140 trong tổng số 164 bảo vật quốc gia (BVQG) hiện đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày trong hệ thống bảo tàng trên cả nước; số còn lại nằm ở các khu di tích và cơ sở tôn giáo. Song, ngoại trừ bốn bảo tàng hàng đầu: Lịch sử quốc gia, Mỹ thuật Việt Nam, Lịch sử TP Hồ Chí Minh và Nghệ thuật điêu khắc Chăm Ðà Nẵng thì tại các bảo tàng địa phương và trong các khu di tích, điều kiện bảo quản khó khăn hơn; việc trưng bày cũng như phát huy giá trị các BVQG còn chưa tương xứng với giá trị của các bảo vật.

Du khách tham quan khu trưng bày bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: ÐĂNG ANH, VIỆT KHÔI
Du khách tham quan khu trưng bày bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: ÐĂNG ANH, VIỆT KHÔI

Bảo vật cất "trong nhà" vẫn chưa yên tâm

Hiện nay, trong hệ thống bảo tàng thì Bảo tàng Lịch sử quốc gia (LSQG) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) có phòng chuyên môn độc lập, chuyên trách về bảo quản hiện vật. Ðây cũng là hai đơn vị đứng đầu ngành bảo tàng Việt Nam về công tác bảo quản hiện vật.

Tuy nhiên, tháng 4-2019 vừa qua, sự việc BVQG tranh sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí, lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị hư hại không thể khôi phục nguyên trạng, do vệ sinh không đúng cách đã khiến giới chuyên môn và dư luận không còn yên tâm với công tác bảo quản BVQG của hệ thống bảo tàng, bởi ngay cả khi được lưu giữ trong bảo tàng hạng I thì BVQG vẫn có thể bị tổn hại do yếu tố con người. Gần như ngay lập tức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải ra văn bản "Về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của BVQG", trong đó yêu cầu: xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng BVQG để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật; ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích để bảo đảm BVQG được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.

Văn bản của Bộ rất kịp thời, thế nhưng giờ đây các bảo tàng lại đối mặt với thách thức về đầu tư cho công tác bảo quản hiện vật; còn dư luận thì đặt ra vấn đề phải ứng xử đúng tầm với những báu vật có một không hai của đất nước.

TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng LSQG cho biết: Bảo tàng hiện đang lưu giữ 20 BVQG với những loại hình, chất liệu và niên đại khác nhau. Tùy theo chất liệu và hiện trạng cụ thể của từng hiện vật, việc bảo quản được thực hiện theo đúng các nguyên tắc bảo quản hiện vật bảo tàng. Từ nhiều năm qua, Bảo tàng LSQG đã có một đội ngũ cán bộ bảo quản chuyên trách, chuyên nghiệp có tay nghề cao để đáp ứng nhiệm vụ này… Song Bảo tàng LSQG cũng đang phải đối diện với không ít thách thức dẫn đến sự xuống cấp của BVQG, như: tác động của thời tiết, khí hậu, hệ thống trang thiết bị chưa đạt chuẩn…

Ứng xử đúng tầm với bảo vật quốc gia (Kỳ 2) ảnh 1

Bảo vật ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Theo các chuyên gia bảo quản, với chất liệu giấy, bên cạnh điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ, phải hạn chế đến mức thấp nhất thời gian chiếu sáng cũng như sử dụng các nguồn sáng (ánh sáng tự nhiên, các loại đèn có hàm lượng tia tử ngoại cao) tiếp xúc với hiện vật. Ðối với những BVQG đang trưng bày ngoài trời (như bia Nam Giao, bia Võ Cạnh), Bảo tàng LSQG đã làm mái che bằng kính và áp dụng các biện pháp bảo quản khoa học để giảm rong rêu và độ mài mòn. Do mức đầu tư kinh phí có hạn, nên công tác kiểm soát môi trường kho lưu giữ hiện vật còn gặp nhiều khó khăn để đạt được các thông số kỹ thuật theo yêu cầu. Hiện nay hệ thống điều hòa không khí trung tâm, máy hút ẩm của bảo tàng đã cũ, không đủ công suất để kiểm soát môi trường theo tiêu chuẩn của nghiệp vụ bảo tàng.

Bảo tàng MTVN hiện lưu giữ chín BVQG, trong đó có các tác phẩm quý như "Hai thiếu nữ và em bé" (của danh họa Tô Ngọc Vân), "Em Thúy" (Trần Văn Cẩn), "Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên Phủ" (Nguyễn Sáng), "Bình phong" (Nguyễn Gia Trí), "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" (Dương Bích Liên), sơn mài "Gióng" (Nguyễn Tư Nghiêm)... Bảo tàng hiện có điều kiện bảo quản thuộc hàng tốt nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước, với hệ thống điều hòa không khí, hút ẩm và thông gió lắp đặt để tạo môi trường ổn định. Nhưng dù là bảo tàng hàng đầu của đất nước, thì khó khăn lớn nhất vẫn là đầu tư cho công tác bảo quản hiện vật; và việc bảo quản BVQG so với những hiện vật, cổ vật khác tại bảo tàng hiện chưa có nhiều thay đổi. Ở không gian trưng bày của Bảo tàng MTVN, thỉnh thoảng ở bên cạnh bảng chỉ dẫn một hiện vật vắng trên kệ là thông báo "Hiện vật đang được đưa đi tu sửa". Chính bức tranh "Em Thúy" đã từng phải tu sửa, phục chế dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài trước khi được công nhận là BVQG.

Như vậy, việc bảo quản BVQG vẫn luôn là một thách thức ngay cả với những bảo tàng hàng đầu của quốc gia. Còn với các bảo tàng địa phương đang lưu giữ BVQG, hầu hết cơ sở vật chất đơn sơ, nghèo nàn… thì hầu như chưa thể đáp ứng yêu cầu, chuẩn mực bảo quản BVQG.

Ứng xử đúng tầm với bảo vật quốc gia (Kỳ 2) ảnh 2

Bảo vật vạc đồng Cẩm Thủy tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Bất cập trong trưng bày, phát huy giá trị bảo vật quốc gia

BVQG nếu chỉ "cất kho", không được công chúng biết tới thì khác nào "áo gấm đi đêm"? Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là việc phát huy giá trị BVQG, nhất là ở hệ thống bảo tàng còn nhiều hạn chế.

Trước hết là những tín hiệu vui mừng từ Bảo tàng LSQG, Bảo tàng MTVN, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Ðà Nẵng, nơi trưng bày thường xuyên và nhiều nhất các hiện vật là BVQG. Ðây có lẽ cũng là ba đơn vị trong số không nhiều bảo tàng biết cách phát huy một phần giá trị BVQG, đưa những báu vật vô giá của đất nước đến với công chúng.

Ðầu năm 2017, lần đầu tiên Bảo tàng LSQG giới thiệu, trưng bày 18 BVQG được lưu giữ tại bảo tàng trong thời gian 5 tháng. Ðó là những bảo vật thuộc văn hóa Ðông Sơn, văn hóa Chăm Pa, thời kỳ quân chủ phong kiến và gắn với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thế kỷ 20. Từ đó đến nay, hầu hết các BVQG (trong số 20 BVQG do bảo tàng lưu giữ) đều đã được trưng bày, hoặc thường xuyên nằm cùng hệ thống hiện vật trưng bày theo các chuyên đề. Hiện tại, có hơn 10 BVQG được bảo tàng trưng bày cùng hơn 100 hiện vật có niên đại từ thời văn hóa Ðông Sơn đến nay, trong cuộc Trưng bày chuyên đề "Quốc hiệu và kinh đô Ðại Việt qua các thời kỳ lịch sử", để phục vụ công chúng đến hết tháng 10-2019.

Tham quan Bảo tàng LSQG, giữa hàng nghìn hiện vật, cổ vật được trưng bày, chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều BVQG được trưng bày trên hệ thống, như: trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Ðào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, chuông chùa Vân Bản,... Những hiện vật trưng bày này đều đã được bổ sung dòng chữ "bảo vật quốc gia" trong bảng chỉ dẫn. Tuy thế, muốn biết rõ hơn về giá trị từng BVQG, du khách phải truy cập vào trang web chính thức của bảo tàng để tra cứu thông tin giới thiệu kỹ hơn.

Cả chín BVQG ở Bảo tàng MTVN vẫn thường xuyên được trưng bày, nằm chung trong hệ thống trưng bày của bảo tàng, kể từ trước khi được công nhận bảo vật cho đến hiện nay. Song, điều đáng tiếc là cả chín BVQG này lại vẫn chưa có một chỉ dẫn nào cho biết đó là BVQG. Khi được hỏi vì sao chưa có chỉ dẫn, các nhân viên hướng dẫn ở các khu vực trưng bày trong bảo tàng cho biết: Ðây là bảo tàng kén khách, những ai quan tâm đến hiện vật là BVQG thì đã truy cập trang web chính thức của bảo tàng để tìm hiểu và nắm bắt rồi!

Xem ra lý do "kén khách" chưa thật thuyết phục. Chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Ðà Nẵng, nơi đang lưu giữ bốn BVQG gồm: Ðài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu, tượng Bồ tát Tara và đài thờ Ðồng Dương. Với nhân lực khoảng 40 người, hằng năm đón khoảng 300 nghìn lượt khách (trong đó 90% là khách nước ngoài), doanh thu khoảng 10 tỷ đồng…, đây có thể coi là bảo tàng tự chủ thành công nhất hiện nay. Sau khi hoàn thành việc sửa chữa vào năm 2017, không gian trưng bày của bảo tàng đẹp, trang trọng, khoa học, hấp dẫn. Tuy nhiên, chỉ mỗi tượng Bồ tát Tara có bảng khắc chữ BVQG, ba hiện vật còn lại không hề có chỉ dẫn. Khi chúng tôi giới thiệu với nhóm du khách người Pháp và Hàn Quốc về những BVQG này, họ ồ lên thích thú, dừng lại hồi lâu để chụp ảnh. Ðem thắc mắc này hỏi ông Hồ Văn Duy, Phó Giám đốc bảo tàng, ông ngớ người lúng túng và hứa sẽ "cho anh em kiểm tra lại và khắc phục ngay!".

Ở các nước phát triển, BVQG trưng bày ở bảo tàng đều có dấu hiệu chỉ dẫn thống nhất. Nhưng ở Việt Nam, bảo tàng và di tích đều chưa có quy định, do vậy, thiếu đi những điều cần thiết để phát huy BVQG tới công chúng. Những bất cập này vô hình trung là trở ngại cho việc khai thác lợi thế để tăng thêm giá trị thương hiệu của những bảo tàng, di tích đang lưu giữ các BVQG.

Ngoài ba bảo tàng kể trên và Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (nơi đang lưu giữ 12 BVQG), thì việc trưng bày BVQG và lan tỏa giá trị báu vật đến công chúng ở các di tích, bảo tàng địa phương rất hạn chế. Thực tế là, sau khi hiện vật được công nhận là BVQG, các bảo tàng đứng trước áp lực phải bỏ ra nhiều chi phí để bảo vệ nghiêm ngặt, bảo quản với chế độ đặc biệt, trong khi phần kinh phí này Nhà nước không cấp. Áp lực về tài chính và trách nhiệm nặng nề khi hiện vật trở thành BVQG dẫn đến tình trạng một số nơi sau khi hiện vật được công nhận BVQG thì đem cất ngay vào kho. Rất ít cơ sở, đơn vị đang trưng bày hiện vật là BVQG có chỉ dẫn hoặc chú thích đó là BVQG và xây dựng kế hoạch tổ chức giới thiệu và quảng bá bài bản những giá trị đặc biệt của nó…

Một trong những trường hợp kể trên là Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ bốn BVQG, nhưng phải đến cuối năm 2017, mới có cuộc trưng bày BVQG lần đầu tiên, rồi sau đó bẵng đi đến nay không thấy trưng bày nữa. Vạc đồng Cẩm Thủy ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, súng thần công ở Bảo tàng Hà Tĩnh, tòa cửu phẩm liên hoa ở chùa Giám (Hải Dương), ván kinh chùa Bổ Ðà (Bắc Giang) cất kho, cửa khóa then cài, cho nên công chúng gần như không tiếp nhận được.

Tại sao có tình trạng BVQG phải cất kho trong điều kiện tuềnh toàng như vậy? Theo nhà văn Thái Bá Lợi, hiện sống ở Ðà Nẵng thì do "cách làm bảo tàng ở ta chả giống ai" và "sai ngay từ đầu". Thông thường, hiện vật phải có trước bảo tàng, để khi xây bảo tàng lên sẽ có diện tích, không gian phù hợp với việc trưng bày, bảo quản, phát huy giá trị hiện vật. Nhưng bảo tàng ở ta thường là tận dụng những tòa nhà sẵn có từ trước, hoặc xây mới rồi chuyển đổi thành công năng bảo tàng, nên nhiều hiện vật kích thước lớn hoặc cần không gian trưng bày đặc thù không có chỗ để.

Một nguyên nhân "kinh niên" nữa là khó khăn kinh phí. Tỉnh Bắc Ninh hiện có tám BVQG, nhưng đến nay, vẫn chưa có nguồn kinh phí riêng nào cho việc bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật này. Ngoài một số bảo vật nằm trong di tích quốc gia đặc biệt như tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp hay tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích được bảo vệ nghiêm ngặt, có hệ thống ca-mê-ra giám sát và có người trông nom thường xuyên, còn lại các bảo vật khác vẫn chưa có nhiều sự quan tâm, như cột đá chạm rồng ở chùa Dạm hay hàng linh thú đá ở chùa Phật Tích vẫn lộ thiên…

Dù thực tế đang đặt ra rất nhiều vấn đề về công tác gìn giữ và phát huy giá trị các BVQG, thế nhưng, hiện nay quy định bảo quản "theo chế độ đặc biệt" và phát huy giá trị BVQG, đối với các địa phương có di tích đang lưu giữ bảo vật, dường như vẫn nằm chỉ trên giấy. Mức độ bảo quản hoàn toàn phụ thuộc nguồn kinh phí của địa phương và của các cơ sở tôn giáo, còn phương án, đề án hay một kế hoạch bảo quản căn cơ, lâu dài thì hầu hết các địa phương đều chưa có.

(Còn nữa)

* Bài 1: Những báu vật “nằm im”

------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22-10-2019.