Tìm giải pháp hiệu quả trùng tu di tích Chùa Cầu Hội An

Dù đã nhiều lần tổ chức trùng tu nhưng hiện di tích Chùa Cầu Hội An (Quảng Nam) vẫn xuống cấp nghiêm trọng trước sự bào mòn của thời gian, tác động của thời tiết và áp lực của việc gia tăng lượng khách tham quan. Cách đây gần ba năm, chính quyền địa phương đã tổ chức hội thảo quốc tế tìm giải pháp “giải cứu” Chùa Cầu, nhưng đến nay, phương án trùng tu di tích này vẫn chưa được thống nhất.

Chùa Cầu Hội An, một điểm đến hấp dẫn du khách.
Chùa Cầu Hội An, một điểm đến hấp dẫn du khách.

Theo các nhà nghiên cứu, Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, do người Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ 17. Năm 1653, phần chùa được dựng thêm, nối liền vào lan-can phía bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người dân địa phương gọi là Chùa Cầu. Chiếc cầu làm bằng gỗ trên những trụ bằng gạch đá, dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An). Đây là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt nằm trong khu phố cổ Hội An và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Đối với người dân Hội An, Chùa Cầu không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, mà còn có vai trò khá quan trọng về giao thông.

Kể từ khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới, lượng khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan thắng cảnh Hội An và di tích Chùa Cầu ngày càng tăng. Hiện nay, mỗi ngày, Chùa Cầu đón tiếp bình quân hơn 4.000 lượt người tham quan. Nhiều lúc cao điểm, khách lên Chùa Cầu tham quan, chụp hình lưu niệm rất đông khiến công trình chịu tải trọng lớn. Do vậy, chính quyền Hội An đã làm một cây cầu nhỏ song song để giảm lượng người qua lại Chùa Cầu; đồng thời thường xuyên kiểm soát số lượng khách qua lại.

Do áp lực của lượng khách tham quan, sự bào mòn của thời gian và tác động khắc nghiệt của thời tiết đã khiến Chùa Cầu Hội An ngày một xuống cấp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hệ thống chịu lực chính đã xuống cấp rất rõ; các bộ phận chịu lực quan trọng nhất như móng, mố, trụ… đang bị bào mòn theo thời gian. Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, phần kết cấu trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời nhỏ; mỗi khi có mưa lớn, nước từ mái thấm xuống làm các hạng mục bằng gỗ của di tích bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, Chùa Cầu Hội An xuống cấp từ nhiều năm nay. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam và TP Hội An cũng đã nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng chỉ tập trung gia cố trụ móng di tích; cải tạo cảnh quan, nạo vét hồ điều hòa và xây kè chỉnh trang dòng chảy; còn phần kết cấu bên trên (gồm cầu và chùa) vẫn chưa can thiệp. Trước sự xuống cấp của Chùa Cầu, vào tháng 8-2016, ngành chức năng, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý của Việt Nam và Nhật Bản tham gia.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, giải pháp được đưa ra. Nhiều nhà nghiên cứu đề xuất nên hạ giải toàn bộ công trình, đánh dấu từng cấu kiện; qua đó, xem bộ phận nào hư hỏng thì thay thế, bộ phận nào tốt sẽ lắp lại. Thế nhưng, cũng có ý kiến đề nghị, không nên hạ giải toàn phần, mà chỉ nên hạ giải từng phần vì cho rằng, nếu tháo rời hết ra sẽ làm hư hỏng, tổn hại đến di tích… Cuối cùng, hội thảo đã khép lại mà chưa thống nhất được phương án, cách thức trùng tu, cho nên gần ba năm trôi qua, chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay, chưa thể thực hiện trùng tu được. Theo lãnh đạo TP Hội An, vào cuối năm nay, trong dịp kỷ niệm 20 năm phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học lần nữa để thống nhất phương án bảo tồn, trùng tu di tích Chùa Cầu.

Sự xuống cấp của di tích Chùa Cầu có thể dễ dàng nhận ra, nhưng “nút thắt” về phương án trùng tu chưa được tháo gỡ là một trở ngại lớn trong quá trình bảo tồn, phát triển giá trị Chùa Cầu. Đã đến lúc, chúng ta không thể mãi “khoanh tay” chờ đợi và cầu toàn, hoặc cứ làm theo kiểu chắp vá “hư đâu, sửa đó” mà cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía chính quyền địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng với sự đồng hành của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và thế giới. Cần sớm tìm ra một giải pháp tổng thể, bài bản và khoa học nhằm cứu lấy Chùa Cầu trước khi quá muộn.