Thái Nguyên: Bảo tàng đìu hiu, sôi động quán xá

NDO -

NDĐT- Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam với diện tích rộng lớn, toạ lạc ở vị trí đắc địa, trung tâm TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, tư liệu, hình ảnh trong nhà; phục chế nguyên mẫu nhiều công trình nhà ở, văn hoá, tôn giáo tiêu biểu của nhiều dân tộc, vùng, miền. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả hoạt động của bảo tàng này đang làm cho nhiều người băn khoăn.

Nhà ở truyền thống của dân tộc Kinh trong Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam luôn cửa đóng then cài, vắng khách tham quan.
Nhà ở truyền thống của dân tộc Kinh trong Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam luôn cửa đóng then cài, vắng khách tham quan.

Đìu hiu khách tham quan

Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ, trưng bày rất nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh ở trong nhà. Không gian văn hoá ngoài trời của bảo tàng phục dựng nhiều công trình kiến trúc như nhà ở, văn hoá của nhiều dân tộc, nhiều vùng, miền trong cả nước. Đó là không gian văn hoá vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, tiêu biểu là Nhà Rông của dân tộc Ba Na. Không gian văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ, như cổng chùa Chăm Ka, ngôi chính điện chùa Phướng, tháp đựng cốt chùa Diệp Thạch đều ở tỉnh Trà Vinh. Nét văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc, như ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, cọn nước. Ngôi nhà truyền thống của dân tộc Kinh... Tổng thể, cung cấp cho công chúng những kiến thức tổng quát về văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Và với không gian rộng lớn, thoáng mát, đặc biệt là các công trình tiêu biểu của nhiều dân tộc được phục chế ngoài trời, tọa lạc ở vị trí trung tâm TP Thái Nguyên, đáng lẽ Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam phải là nơi thu hút nhiều du khách tham quan, tìm hiểu, học tập văn hoá các dân tộc. Tuy nhiên, cảnh đìu hiu, vắng vẻ khách tham quan là điều mà ai cũng có thể cảm nhận được.

Đồng thời, tham quan không gian văn hoá ngoài trời, ai cũng thấy các công trình nhà ở của một số dân tộc được phục dựng cửa đóng then cài im ỉm suốt ngày nên chỉ quan sát được cái “vỏ” bên ngoài mà không thể biết hồn cốt bên trong, vì muốn vào thăm cách bố trí, trang trí, tổ chức cuộc sống bên trong nhà là không thể. Một số công trình được phục dựng xuống cấp, cũ kỹ. Đường đi lối lại, mặt bằng tại các công trình không được sạch đẹp; lá cây rụng không được quét dọn thường xuyên. Điều đó cho thấy, có lẽ thiếu bàn tay tận tuỵ chăm sóc và sự tâm huyết của con người; việc duy tu, bảo dưỡng, chăm chút cho từng công trình chưa được quan tâm đầy đủ, sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của công chúng chưa được quan tâm thoả đáng?

Mặt khác, việc kết nối các tua, tuyến du lịch, các tuyến xe buýt chưa có kết quả; tuyên truyền, quảng bá chưa được quan tâm. Và có lẽ, giá vé tham quan cao, với người lớn là 30 nghìn đồng/lượt; học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề là 20 nghìn đồng/lượt và trẻ em là 10 nghìn đồng/lượt nên rất ít công chúng tham quan, tìm hiểu văn hoá các dân tộc tại bảo tàng này.

Sôi động quán xá

Trong khi khách tham quan, tìm hiểu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam thì đìu hiu, thưa vắng nhưng tại các quán cà-phê, bia, nước, quán ăn trong khuôn viên thì lại luôn sôi động, nhiều khi là phản cảm trong không gian được coi là văn hoá này.

Thái Nguyên: Bảo tàng đìu hiu, sôi động quán xá ảnh 1

Quán xá trong Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam được trang trí bắt mắt.

Trong khuôn viên Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hiện nay, nhiều vị trí được cho thuê làm quán cà-phê, quán bia, quán nước, ăn uống và trưng bày, bán cây cảnh với ô-tô, khách khứa ra vào nhộn nhịp. Tại quán bia, khách ra vào đông đúc, đặc biệt là vào buổi chiều, cảnh ăn uống, cười nói lớn tiếng, thậm chí cãi vã nhau phản cảm, không phù hợp và lệch chuẩn trong không gian văn hoá. Tại các quán xá này, cổng bảo tàng luôn mở rộng để tạo thuận lợi cho khách ra vào ăn uống.

Sau khi tham tham quan bảo tàng, công chúng muốn nghỉ ngơi với những hoạt động giải khát, giải trí, trao đổi, giao lưu nên có các dịch vụ phù hợp trong không gian của bảo tàng là cần thiết. Tuy nhiên, trong không gian bảo tàng có quán nhậu xô bồ là chưa phù hợp. Các công trình nhà ở, công trình văn hoá của một số dân tộc được phục dựng trong bảo tàng luôn cửa đóng then cài nên công chúng không thể vào trong tham quan. Ngược lại, cổng bảo tàng ở các phía luôn mở rộng để tạo thuận lợi cho khách ra vào ăn, uống. Nhiều người cho rằng, có lẽ bảo tàng này coi trọng hoạt động dịch vụ hơn là hoạt động văn hoá?