Nghề gác kèo ong trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

NDO -

NDĐT - Chiều 18-6, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, đơn vị vừa tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận Nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện UBND huyện U Minh và UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Thợ rừng ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) thu hoạch mật ong rừng tràm.
Thợ rừng ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) thu hoạch mật ong rừng tràm.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, việc công nhận nêu trên tạo thêm động lực để cư dân miệt rừng Cà Mau tiếp tục gắn bó với nghề, đồng thời có điều kiện để phát triển sinh kế bền vững dưới tán rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giảm nghèo của địa phương. Sau khi được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm Nghề gác kèo ong ở miệt rừng U Minh Hạ bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của vùng đất rừng tràm Cà Mau; phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo sinh kế bền vững cho cư dân miệt rừng tràm.

Gác kèo ong là một trong những nghề truyền thống của cư dân miệt rừng tràm tỉnh Cà Mau, được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay. Tại miệt rừng U Minh Hạ, thời điểm chính vụ gác kèo trong năm vào những tháng mùa khô, trung bình mỗi hộ dân hành nghề gác từ 300 - 500 kèo ong, thu về trung bình từ 600 - 1.000 lít mật. Một số nghiên cứu cho thấy, mật ong rừng tràm là tự nhiên, chất lượng rất tốt, có nhiều dược tính, được dùng nhiều trong các sản phẩm dược đông y và sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Vì thế, mật ong rừng tràm U Minh hạ nức tiếng gần xa và được nhiều nơi trong và ngoài nước biết đến. Cuối năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận sản phẩm mật ong U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể.

Phát huy những thành quả nêu trên, tỉnh Cà Mau định hướng phát huy hơn nữa giá trị của Nghề gác kèo ong theo hướng bảo đảm hiệu quả lâu dài bằng sự phát triển gia tăng về chất và lượng sản phẩm mật. Mục tiêu quan trọng lâu dài của tỉnh là bảo tồn Nghề gác kèo ong truyền thống, bảo đảm vừa giữ được rừng, đồng thời tạo sinh kế, nâng cao thu nhập ổn định cho cư dân bao đời gắn bó với rừng tràm.