Tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ 10:

Ký ức Hợp Thành

NDO -

Từng được nghe về xã Hợp Thành (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là nơi có phong trào quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường rất tốt, lại là nơi Bác Hồ, Chính phủ tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1952, vậy mà lần lữa mãi hôm nay chúng tôi mới về được địa chỉ đỏ này.

Bia di tích lịch sử Địa điểm nơi tổ chức Đại hội Thi đua lần thứ nhất, xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Bia di tích lịch sử Địa điểm nơi tổ chức Đại hội Thi đua lần thứ nhất, xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Tháng Tám, nắng trải mênh mông, bầu trời trong xanh thăm thẳm khiến chuyến về nguồn của chúng tôi có chiều thêm thi vị. Cộng hưởng với sự hứng khởi cho chuyến đi là những đổi thay hiện hữu: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên óng ả, thông thoáng; những ruộng lúa, đồi chè xanh ngắt; những nhà máy hiện đại mà đẹp đẽ.

Đã bớt rồi cái cảnh “Từng đoàn xe vận tải nối nhau đi/ Trên đất nước đỏ au mầu xây dựng…” của một thời tiền công nghiệp. Bây giờ, tiêu chuẩn về vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường được đặt ra hết sức nghiêm ngặt nên mọi hoạt động đều phải thân thiện môi trường.

Hết đường tránh thành phố Thái  Nguyên, qua xã Cổ Lũng, Phấn Mễ, Động Đạt, Ôn Lương, Phủ Lý là đến Hợp Thành. Nơi này chỉ cách Hà Nội chừng 150 km, đi bằng ô-tô bây giờ chỉ mất độ nửa ngày, nhưng dân cư hôm nay còn thưa thớt, có phần “hiu hắt”. Ngẫm lại 68 năm trước, 154 đại biểu tiêu biểu nhất của cả nước về đây, trong điều kiện kháng chiến, trong điều kiện bí mật, trong điều kiện thông tin liên lạc thiếu thốn, phương tiện chủ yếu đi bộ… mới thấy cố gắng trong công tác tổ chức Đại hội cao thế nào.    

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải Hồ sau khi trao đổi với tôi về Hợp Thành ngày nay, do mắc bận đã ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hải Long và Bí thư chi bộ Đinh Sỹ An kiêm Trưởng bản Khuân Lân làm việc với tôi. Câu chuyện xoay quanh trăn trở về một hướng đi sao cho Hợp Thành mau chóng thoát khỏi tình trạng bình bình như bây giờ.    

Và chúng tôi đi vào Khuân Lân, nơi diễn ra Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất. Từ trung tâm xã theo con đường nông thôn bé nhỏ, chừng 5 km là hết đường, rồi đi bộ trong rừng cỡ 500 m là đến di tích.

Anh Long ái ngại giải thích: Tuy chưa có đường ô-tô nhưng đã có dự án mở đường vào đây, kinh phí 700 triệu và đã được đồng chí Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Thái Nguyên phê duyệt.

Từ trên nhà sàn năm gian, nơi trước đây chính là nền của Hội trường Đại hội xưa, ông Ma Văn Thanh, chủ nhà xuống thang đón khách. Tách trà được pha nóng hổi, ông Thanh tâm sự.        

34 năm trước, duy nhất gia đình ông vào đây dựng nhà, chấm dứt cảnh hoang lạnh nơi thâm sơn cùng cốc này. Rồi năm 2004, Nhà nước về dựng bia di tích, gia đình ông nghiễm nhiên trở thành người trông coi, dọn dẹp không thù lao, không “chế độ”. Ông mong huyện, tỉnh quan tâm, hiểu cho tấm lòng người dân mà giải quyết chứ gia đình cũng ngại nói ra. Ấm nước, chén trà mỗi khi có khách lặn lội đường xa đến cùng vài câu giải thích về di tích theo cách biết đến đâu nói đến đó. Vậy thôi, đồng bào cũng tự giác làm từ lâu rồi.

Ký ức Hợp Thành -0

Trưởng bản Đinh Sỹ An bổ sung thêm rằng: Cho đến hôm nay bản Khuân Lân cũng chỉ có78 gia đình đồng bào Tày sinh sống (năm 1952 có bảy hộ), vất vả lắm mới thành lập được chi bộ Đảng với 18 đảng viên. Bây giờ cũng chỉ trông vào ít ruộng lúa và rừng cây keo.

Phải chăng vì điều kiện làm ăn khó khăn nên nơi này như vậy?    

Đứng bên di tích Hội trường 8 mái xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành - ghi dấu nơi Tổ chức “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất”, tôi nhớ lại đã được đọc Nhật ký kháng chiến của ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, lúc bấy giờ đóng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ông viết, đại ý rằng, ngày 30-4 đến ngày 5-5-1952, đi dự Đại hội Anh hùng lần thứ nhất bên Thái Nguyên, thấy kháng chiến đã lớn mạnh nhiều rồi. Ghi công trạng là để động viên, khích lệ. Có công thì sẽ có huân…    

Chính nơi này, vào ngày 15-12-2004 đã được Nhà nước công nhận Di tích cấp quốc gia và dựng bia ghi dấu nho nhỏ, tất cả chỉ có vậy…    

Chỉ có154 đại biểu được bầu chọn trong cả nước, tề tựu về đây trong mấy ngày đầu tháng 5-1952, nhưng Đại hội lại được đón hầu hết các vị lãnh tụ kháng chiến: Chủ tịch Hồ Chí Minh; các đồng chí: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… dự và chỉ đạo.

Tại đại hội, bảy Anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước được bầu chọn, đó là: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh (Anh hùng lao động), Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu (Anh hùng quân đội). Đại hội cũng đã chọn bầu được 23 Chiến sĩ xuất sắc để tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất.

Tại Đại hội lần thứ nhất, Bác Hồ đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”. Người kêu gọi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện khẩu hiệu: “Người người thi đua, ngành ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng; địch nhất định thua”.    

Ngót bảy thập kỷ đã đi qua, Nhà nước ta đã tiến hành chín lần đại hội thi đua toàn quốc, chỉ duy nhất một lần tổ chức tại Hợp Thành, tám lần sau đều tại Thủ đô Hà Nội. Còn nhớ, Đại hội lần thứ 2 diễn ra năm 1958, có 450 đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự. Đại hội lần thứ 3 diễn ra năm 1962, hơn 400 đại biểu dự, tuyên dương hơn 1.000 chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động. Rồi Đại hội lần thứ 4 năm 1967, lần thứ 5 năm 1986, lần thứ 6 năm 2000, lần thứ 7 năm 2005, lần thứ 8 năm 2010.

Đại hội lần thứ 9 tổ chức trong các ngày từ 10 đến 12-12-2015 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, với sự tham dự của 1.800 đại biểu, tôi có vinh dự được tham gia với tư cách là đại biểu thuộc đoàn báo chí, phát thanh và truyền hình. Chúng ta đang tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ 10 vào cuối năm 2020 này, nhưng những gì đã diễn ra ở Hợp Thành vẫn mãi mãi đi vào lịch sử của phong trào thi đua, và là niềm tự hào của mảnh đất và con người nơi đây.    

Xã Hợp Thành vừa tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhìn lại 5 năm qua, Hợp Thành vui mừng về thành tích đã thu được: Xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn 2 năm, thu nhập bình quân trên đầu người đạt hơn 32 triệu đồng/1 năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 82,3 triệu đồng trên mỗi héc-ta đất canh tác; thu ngân sách tăng hằng năm hơn 10%, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, khá giả…

Ký ức Hợp Thành -0
Hợp Thành hôm nay. 

Đồng chí Nguyễn Hải Hồ, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Hợp Thành vinh dự là cội nguồn của phong trào thi đua yêu nước, và sẽ luôn tiếp tục thi đua để phát triển toàn diện và bền vững, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Còn Phó Chủ tịch xã Lương Hải Long thì trăn trở: “10 km vuông, 3.000 người, vùng đất màu mỡ mà không nhiều thế mạnh… Hợp Thành phải thi đua thế nào đây, nhất là lại ở nơi nguồn cội của phong trào thi đua?”  

Chiều xuống, mặt trời khuất dần sau rặng núi bản Khuân Lân. Bên kia núi là xã Phục Linh của huyện Đại Từ, phía trước kia là đất Định Hóa liền kề, tôi tự hỏi: “Sao người ta cứ cắt rời các điểm Di tích lịch sử kháng chiến mà không xâu chuỗi lại cho liên hoàn, liên tuyến…cho chính danh trên bản đồ du lịch?”