Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc được công nhận Di tích quốc gia

NDO -

NDĐT- Ngày 27-9, tại xã Tiên Thọ, UBND huyện Tiên Phước (Quảng Nam) tổ chức Lễ đón Bằng Di tích quốc gia “Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954” và Tưởng niệm 65 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc (29-9-1954 – 29-9-2019). Đây cũng là sự kiện kỷ niệm tròn 60 năm ký kết Hiệp định Genève.

Trao Bằng Di tích quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc cho đại diện lãnh đạo huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Trao Bằng Di tích quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc cho đại diện lãnh đạo huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Diễn văn tại buổi lễ đã ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân ta tại địa điểm Cây Cốc, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước vào năm 1954. Diễn văn nêu rõ, ngày 29-9-1954, lúc 9 giờ sáng, như thường lệ đông chợ tại Cây Cốc, một số nhân dân từ Quế Sơn, Tam Kỳ, Quảng Ngãi lên chợ Cây Cốc để buôn bán, đồng bào nghe thông tin người dân nơi đây bị địch bắt giam, đàn áp nên họ tập hợp, nổi trống mõ kêu gọi đồng bào quanh chợ Cây Cốc cùng đi đấu tranh.

Đến khoảng 10 giờ, ngày 29-9-1954, vừa đến Cầu Vôi, ba chiếc máy bay khu trục của quân đội Pháp quần lượn trên bầu trời, địch đã ban hành mệnh lệnh đàn áp, liền sau đó lính của tiểu đoàn 601 nổ súng vào nhân dân làm nhiều người bị thương…

Lúc này trên bầu trời, máy bay gầm rú, dưới đất thì xe tăng từ phía Tam Kỳ kéo lên Tiên Thọ, lính bộ binh của quân Liên hiệp Pháp nổ súng liên thanh vào lực lượng quần chúng nhân dân, làm hơn 330 đồng bào, chiến sĩ của ta đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh này.

Để tưởng nhớ công lao của nhân dân Cây Cốc đã ngã xuống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cộng nhận và trao Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đây, địa danh Cây Cốc trở thành một địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là kết nối du lịch, văn hóa lịch sử của tỉnh Quảng Nam.