Di sản vô giá ở Vườn Chuối

NDO -

NDĐT – Sau hơn năm tháng khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện khảo cổ học Việt Nam đã có những kết quả sơ bộ ban đầu về giá trị lịch sử, văn hóa… của khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Hố khai quật ở Vườn Chuối.
Hố khai quật ở Vườn Chuối.

Những lớp đất chứa ba giai đoạn văn hóa

Đây là cuộc khai quật nghiên cứu lần thứ 9 tính từ năm 1969 đến nay, theo quyết định hồi tháng 4 năm nay của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với diện tích khai quật là 500m2 tại các khu vực gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối.

Báo cáo của đoàn công tác do TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học công bố cho thấy, toàn bộ khu vực Vườn Chuối bao gồm sáu gò Chùa Gio, Đình Lỗ, Chiềng Vậy nay đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, cùng với ba gò còn lại chính là khu vực khai quật, nghiên cứu nói trên. Hiện tại ba gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối đều thuộc phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, cảnh quan đã hoàn toàn bị thay đổi do san lấp mặt bằng.

Các hố khai quật được mở ở Vườn Chuối với hai hố, mỗi hố 100m2, cùng 75 hố thăm dò ở cả ba gò.

Di sản vô giá ở Vườn Chuối ảnh 1

Vết tích của đồ đồng.

Kết quả khai quật cho thấy, ở hố khai quật thứ nhất, trong hai tầng văn hóa bên trên, các di vật hầu hết có dấu ấn của giai đoạn Gò Mun và Đồng Đậu. Ở hố khai quật thứ hai, tầng văn hóa trên cùng có lưu giữ nhiều gốm vụn thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Các di vật ở các địa tầng cho thấy có sự phát triển trực tiếp từ Gò Mun đến Đông Sơn ở Vườn Chuối.

Hơn nữa, theo báo cáo của các nhà khảo cổ, tầng văn hóa Đông Sơn ở vách đông hố đào diễn biến khá liên tục từ sớm đến muộn, góp phần bổ sung tư liệu thu được ở vách bắc rằng có giai đoạn Gò Mun phát triển sớm muộn nhưng lại chưa thấy các giai đoạn này của văn hóa Đông Sơn.

Về Gò Mun, tầng văn hóa này xuất hiện đều từ trên gò đến dưới đáy ao, hồ, và sự xuất hiện của lớp đất phù sa bồi tụ ghi nhật vị trí hố khai quật nằm giữa khu cư trú trên gò vào ao hồ trũng ở thời Gò Mun.

Dấu tích di vật của giai đoạn văn hóa Đồng Đậu có xuất hiện ở tầng văn hóa bên dưới Gò Mun nhưng không phân tách thành lớp riêng mà bị lẫn giữa cả Gò Mun và Đông Sơn, ghi nhận sự phát triển liên tục theo thời gian giữa hai giai đoạn văn hóa Đồng Đậu – Gò Mun. Không gian phân bố của của di tích giai đoạn văn hóa Đồng Đậu còn tiếp tục phát triển về phía bắc của gò Vườn Chuối cho tới khu vực gò Đình Lỗ. Tuy nhiên, hiện nay khu vực từ gò Đình Lỗ đến sát phía bắc gò Vườn Chuối đã trở thành nghĩa trang cho nên không có khả năng khai quật nghiên cứu.

Những di vật đặc biệt

Chính vì chứa đựng tới ba tầng văn hóa, cho nên Vườn Chuối cũng phát lộ những di vật hết sức đặc biệt. Đầu tiên phải kể đến 15 ngôi mộ táng Đông Sơn, trong đó có 13 mộ huyệt đất và hai mộ quan tài gốm. Đây là lần đầu tiên phát hiện một số lượng mộ táng nhiều và tập trung như vậy tại một địa điểm ở Hà Nội. Các nhà khoa học cũng dự đoán nếu mở rộng khai quật sẽ phát hiện thêm nhiều mộ táng Đôgn Sơn chôn ở khu vực này.

13 mộ huyệt đất đều là mộ chôn nằm thẳng, theo nhiều hướng khác nhau, và di cốt đều ở trong tình trạng rất mục nát. Đồ tùy táng gồm đồ đồng, gốm, ở năm mộ, các mộ còn lại không có. Mộ quan tài gốm gồm hai mộ nồi vò, nhưng các nhà khảo cổ cũng không loại trừ khả năng những nồi vò mộ này là đồ tùy táng của các mộ huyệt đất mà đến nay vẫn chưa tìm thấy biên mộ.

Di sản vô giá ở Vườn Chuối ảnh 2

Tại Vườn Chuối, cũng phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn, gồm các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc…

Kết quả khai quật cũng phát hiên khoảng hơn 1.000 hiện vật đá với các nhóm công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hình hiện vật khác, 40 hiện vật đồng gồm cả công cụ sản xuất, vũ khí cùng khaongr 300 viên xỉ đồng li ti lẫn trong các khu bếp lửa. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra nhiều mảnh tre, gỗ trong lớp bùn đáy ao, hồ ở hố 2, nhiều mảnh có vết chặt, đẽo, gọt, cùng với xương răng động vật, chủ yếu là trâu bò và một ít mảnh vỏ ốc. Số lượng đồ gốm thu được khá lớn, ước tính khoảng hơn 10 nghìn mảnh, tương đương với 1 tấn gốm.

Những phác thảo sơ bộ về đời sống, con người qua các giai đoạn lịch sử.

Những di tích, di vật thu được trong đợt khai quật này cùng tư liệu từ các đợt trước đã bước đầu cho chúng ta một phác thảo về đời sống, xã hội con người qua nhiều giai đoạn lịch sử ở Vườn Chuối.

Số lượng lớn các di vật đồ đá, đồ đồng.. cho thấy sự cư trú, triển khai các hoạt động sống thường nhật và các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, gốm, gỗ, đan lát, thậm chí là dệt vải của con người ở đây qua các thời kỳ.

Di sản vô giá ở Vườn Chuối ảnh 3

Một phần trong số các mảnh gốm đào được ở Vườn Chuối.

Dấu vết còn lại của rìu, bôn, đục, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi… cho thấy kỹ thuật chế tác tinh xảo với nguyên liệu đều là từ đá ngọc. Đồ đồng gồm rìu, lưỡi câu, mũi giáo được phát hiện chủ yếu ở tầng văn hóa Đông Sơn nhưng cũng xuất hiện ở cả Gò Mun và Đồng Đậu.

Những hiện vật còn lại cho thấy các cư dân cổ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề nông, trồng lúa nước. Vết tích của nghề chài lưới, bắt cá được tìm thấy qua các viên chì lưới bằng đất nung và lưỡi câu đồng.

Như vậy, trong điều kiện tự nhiên với môi trường hoang sơ, thuận lợi cho khai thác, các cư dân Vườn Chuối từ giai đoạn Đồng Đậu đã có đủ nghề từ trồng lúa nước, săn bắt/bắn, hái lượm, cho đến các nghề thủ công cơ bản.

Những dấu vết để lại ở Vườn Chuối cũng cho thấy không gian cư trú của cư dân giai đoạn Tiền Đông Sơn – Đông Sơn tại Hoài Đức và Hà Nội từ buổi bình minh của lịch sử. Hơn nữa, qua một số mảnh gốm Phùng Nguyên xuất hiện ở lớp dưới Vườn Chuối, Chùa Gio – Lai Xá, có thể thấy ở Hoài Đức đã bắt đầu có cư dân Phùng Nguyên muộn cư trú.

Như vậy có thể thấy, với những kết quả sơ bộ ban đầu, có thể khẳng định giá trị của Vườn Chuối trong việc lưu giữ những thông tin quý giá về sự phát triển liên tục hiếm có ở khu vực này qua nhiều giai đoạn văn hóa kể từ Tiền Đông Sơn – Đông Sơn, và cung cấp những dữ liệu ban đầu về cuộc sống của con người ở buổi bình minh của lịch sử ở ngay trên chính mảnh đất Thăng Long – Hà Nội này.