Đặc sắc lễ hội truyền thống ở Thái Nguyên

NDO -

NDĐT - Tết đến, Xuân về, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm lễ hội truyền thống gắn với tập quán sinh hoạt, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật... thu hút đông đảo nhân dân địa phương, khách thập phương. Điều đặc biệt là lễ hội do nhân dân tổ chức, gắn với nét sinh hoạt văn hóa, sản xuất ở địa phương và hầu hết đều kết thúc trong tháng Giêng.

Lễ hội xuống đồng ở thị xã Phổ Yên.
Lễ hội xuống đồng ở thị xã Phổ Yên.

Các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh có thể kể đến là lễ hội xuống đồng ở thị xã Phổ Yên, lễ hội Đền Đuổm ở huyện Phú Lương, lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối ở huyện Phú Bình, lễ hội Núi Văn - Núi Võ ở huyện Đại Từ, lễ hội Lồng Tồng ở ATK Định Hóa... đều diễn ra trong và ngay sau Tết Nguyên đán. Năm nay, các lễ hội này diễn ra trong không khí trang trọng, giàu bản sắc, vui tươi, mang lại miền tin về một năm an lành cho nhân dân và khách thập phương.

Đã thành truyền thống, năm nay vào sáng mùng 3 Tết, tại xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, hàng nghìn người dân sở tại và các xã lân cận náo nức tham gia lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội được tổ chức sớm nhất, bên cạnh việc nhắc nhở mọi người xoá bỏ nếp nghĩ tháng Giêng là tháng ăn chơi, đồng thời nét mới của lễ hội xuống đồng thị xã Phổ Yên năm nay có chủ đề “Xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh” nhằm củng cố những thành quả mà thị xã vừa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đồng thời xây dựng thị xã văn minh đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Ngay sau màn lễ tôn vinh nghề nông, nông dân và trống hội rộn ràng, bà con nông dân tề tựu về cánh đồng xóm Thanh Hoa để chứng kiến, cổ vũ lãnh đạo tỉnh, thị xã Phổ Yên và nông dân xuống đồng thực hiện những đường cày, bừa đầu tiên của năm mới với hy vọng cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển.

Mặc dù công việc làm đất, cày bừa của nhà nông hiện đã được thực hiện bằng cơ giới, nhưng các màn thi cày, bừa bằng trâu, bò, thi cấy bằng tay được tổ chức tại lễ hội trong sự hân hoan, cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người dân. Điều này cho thấy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của nông dân vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Nhiều nông sản đặc trưng, mang tính hàng hóa được sản xuất với tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ của địa phương được giới thiệu, quảng bá tại lễ hội.

Cụm di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Cầu Muối ở xã Tân Thành, huyện Phú Bình hình thành từ năm 1719, khai hội vào mùng 4 Tết Kỷ Hợi. Đình thờ Tướng quân người dân tộc Tày Dương Tự Minh - danh tướng có công giúp vua Lý chống giặc Tống xâm lược, tổ chức khai khẩn đất đai, sản xuất cho nhân dân ở một vùng rộng lớn; chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Thượng thờ Mẫu Thượng ngàn; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình - đền - chùa Cầu Muối là nơi đóng quân, huấn luyện của nhiều đại đoàn, sư đoàn chủ lực của quân đội ta.

Trong và sau ngày khai hội, năm nay mỗi ngày cụm di tích đình - đền - chùa Cầu Muối thu hút hàng vạn người, nhưng việc tổ chức diễn ra rất quy củ, không có tình trạng lộn xộn, tắc đường, ăn xin, đặc biệt là không có tình trạng muối, gạo rắc dày hàng cm tại khu vực sân đình, đền, chùa như những năm trước. Làm được điều này là do, việc tổ chức lễ hội được giao cho những người chức việc, nhân dân địa phương tổ chức với sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Cũng vào mùng 4 Tết, trong không khí ấm áp của những ngày đầu Xuân, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân huyện Đại Từ nô nức về dự lễ hội Núi Văn - Núi Võ được tổ chức ngay dưới chân dãy Tam Đảo để tưởng nhớ Thượng tướng quân Lưu Nhân Chú - người con ưu tú của mảnh đất Đại Từ.

Tướng quân Lưu Nhân Chú từ nhỏ đã giác ngộ truyền thống yêu nước và ý chí diệt giặc ngoại xâm. Đất nước bị giặc Minh xâm chiếm, Lưu Nhân Chú đã tìm đường theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và nhanh chóng trở thành một trong những vị tướng trụ cột của nghĩa quân Lam Sơn. Đặc biệt, tại trận đánh ải Chi Lăng, ông đã cùng các tướng lĩnh tiêu diệt tướng giặc và hàng vạn quân địch. Cả cuộc đời của ông chủ yếu gắn liền với bảo vệ và xây dựng quê hương. Sau khi mất, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân địa phương lập đền thờ ông dưới chân Núi Văn - Núi Võ và hằng năm tổ chức lễ hội tại nơi đây.

Đến với lễ hội năm nay, người dân và du khách được chứng kiến dòng họ Lưu và nhân dân sở tại nghiêm cẩn dâng lễ, dâng hương và rước kiệu bậc tiền bối Lưu Nhân Chú. Ông Lưu Sỹ Long, đại diện dòng họ Lưu xã Văn Yên tự hào: “Năm nào mâm lễ của dòng họ chúng tôi cũng đầy đủ xôi, gà, rượu, nước, hương, hoa quả. Năm nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương còn có thêm lợn quay, ngựa giấy... đã làm cho khí thế buổi lễ thêm long trọng”.

Ông Long cho biết thêm: “Dòng họ Lưu ở xã Văn Yên hiện có hơn 200 hộ, phát huy truyền thống kiên trung của Tướng quân Lưu Nhân Chú, chúng tôi luôn răn dạy con cháu nỗ lực học tập, phấn đấu vươn lên để xứng đáng với tiền nhân”.

Đặc sắc lễ hội truyền thống ở Thái Nguyên ảnh 1

Lễ hội Đền Đuổm do nhân dân địa phương tổ chức.

Mùng 6 Tết năm nay, lễ hội Đền Đuổm lại khai màn trong không khí thành kính, rộn ràng của nhân dân. Đền Đuổm có từ lâu đời, tọa lạc trên sườn núi đá, bên sông Cầu ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương thờ Tướng Dương Tự Minh. Phần lễ được phục dựng theo nghi thức truyền thống với các nghi thức lễ rước đất, rước nước, dựng cây nêu, rước lễ vật vào đền… Phần hội là các hoạt động dân gian, như thi giã bánh dày, thi sao chè, thi trưng bày trang trí mâm lễ cúng tiến Đức Thánh Đuổm, trình diễn trang phục truyền thống, thi kéo co, đẩy gậy, tung còn. Đền Đuổm là di tích văn hóa cấp quốc gia và với những nét văn hoá dân gian đặc sắc, lễ hội Đền Đuổm là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng Giêng âm lịch nhiều hoạt động như Lễ cầu mùa dân tộc Tày và của dân tộc Sán Chay, Lễ cầu phúc của đồng bào Dao, các hoạt động tung còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu thể thao, biểu diễn dân ca dân tộc... đây đều là nét văn hóa dân gian đặc sắc của nhân nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Phạm Thái Hanh cho biết, hầu hết các lễ hội lớn trên địa bàn đã diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các lễ hội khác đều kết thúc trong tháng Giêng để tập trung vào sản xuất, học tập. Nét mới của lễ hội năm nay, ngân sách không phải đầu tư kinh phí tổ chức mà do cộng đồng nhân dân ở địa phương tổ chức nên đã phát huy được giá trị truyền thống của lễ hội, không có tình trạng cờ bạc, tệ nạn, ăn xin, mê tín dị đoan.

Có được kết quả đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các địa phương đã chủ động hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh để lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.