Văn hóa và phát triển

Còn mãi tình yêu chèo Sơn Nam Thượng

Trấn Sơn Nam Thượng xưa và tỉnh Hà Nam ngày nay được biết đến là một trong những chiếng chèo cổ của vùng đồng bằng sông Hồng, quê hương của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo ở Hà Nam vẫn được gìn giữ, phát huy qua hàng trăm câu lạc bộ dân ca và chèo hoạt động từ lâu nay, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn nghệ quần chúng .

Tiết mục “Hà Nam trống hội mừng xuân” do đoàn nghệ thuật Chèo và diễn viên nhà VHTT tỉnh trình diễn tại xã Bắc, huyện Lý Nhân. Ảnh: THẾ TUÂN
Tiết mục “Hà Nam trống hội mừng xuân” do đoàn nghệ thuật Chèo và diễn viên nhà VHTT tỉnh trình diễn tại xã Bắc, huyện Lý Nhân. Ảnh: THẾ TUÂN

Những miền quê say chèo

Những ngày này, khắp các làng quê của tỉnh Hà Nam trở nên rộn rã hơn bởi tiếng trống, tiếng phách cùng những âm điệu chèo giàu bản sắc văn hóa truyền thống hát mừng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ là những “nghệ sĩ”, “diễn viên” nông dân say hát chèo. Khi lên sân khấu, từng ca từ, điệu múa được các nghệ sĩ không chuyên thể hiện trau chuốt, mượt mà, truyền cảm, đi vào lòng người. Nhiều ca khúc mới không chỉ có ý hay, tứ lạ, thấm đẫm tình quê, mà còn mang tính thời sự và giá trị nhân văn được các câu lạc bộ (CLB) chèo thôn, xóm tập luyện một cách công phu, bài bản.

Các ca khúc ngợi ca quê hương đổi mới được các CLB đàn và hát dân ca thôn Thượng Châu, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân sáng tác và biểu diễn chào mừng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc mang đến một không khí vui tươi, ấm áp bằng những lời ca mộc mạc thân quen, chân chất tình quê: “Quê hương tôi ngan ngát màu xanh hoa lá/ Sóng lúa dập dìu đàn cá đua bơi/Cây ăn quả hoa trái trĩu cành/Đàn ong mật thi nhau xây tổ ấm/Cây ăn quả tăng nguồn hàng hóa/ Xóa đói giảm nghèo đời sống nâng cao…”. Là người tham gia và gắn bó với CLB từ những ngày đầu thành lập đến nay, anh Ngô Hoàng Long, Chủ nhiệm CLB đàn và hát dân ca thôn Thượng Châu chia sẻ: “Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích tiếng hát chèo từ thuở nhỏ, do điều kiện cuộc sống, tôi không đi theo nghiệp diễn chèo chuyên nghiệp, nhưng giờ đây tôi cũng rất vui và dành nhiều thời gian cùng sự nhiệt huyết cho CLB. Chính vì tình yêu với chèo mà từ gần 10 năm nay, tôi cùng các hội viên duy trì hoạt động CLB đàn và hát dân ca của xã, của thôn thu hút được nhiều nhân tố tích cực tham gia”. 

Các thành viên trong CLB phần lớn là nông dân và đều có chung một tình yêu chèo sâu sắc. Đến nay, CLB đàn và hát dân ca thôn Thượng Châu có 28 thành viên, người cao tuổi nhất đã 82 tuổi, còn người trẻ tuổi nhất mới 13 tuổi. Mỗi tuần, CLB đều tổ chức tập luyện từ một đến hai buổi vào các buổi tối để không ảnh hưởng đến công việc nhà nông của các thành viên. CLB đặt ra mục tiêu mỗi năm học hát được từ hai đến ba làn điệu mới. Theo anh Long, cùng với thường xuyên tập luyện và biểu diễn, các thành viên CLB luôn quan tâm tổ chức truyền dạy hát cho các thế hệ trẻ. Điều đáng mừng là năm học này, được sự đồng ý của chính quyền xã, CLB đã tổ chức dạy hát dân ca cho nhiều học sinh của hai trường THCS và tiểu học Xuân Khê hai buổi mỗi tháng, phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các em có khả năng hát chèo bổ sung cho các CLB. Qua đó, các CLB hát dân ca và chèo trên địa bàn xã hiện nay đều đã quy tụ được những diễn viên nhí có niềm đam mê hát chèo.

Một điểm chung là các CLB hát chèo trong tỉnh Hà Nam đều được thành lập từ những hạt nhân yêu hát chèo tiêu biểu ở các làng quê. Họ là những nông dân, công nhân không chuyên, nhưng đam mê chèo. Chẳng hạn như CLB dân ca quần chúng Nguyễn Văn Trỗi, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, có 40 thành viên đã hoạt động hơn 10 năm. Mặc dù không có được dàn nhạc chuyên nghiệp như một số chiếu chèo nổi tiếng khác, song những thành viên của các CLB vẫn nhiệt tình, dành nhiều thời gian và tâm huyết để thể hiện một cách “tròn trịa” nhất những làn điệu chèo cổ. Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Toàn bộ kinh phí tập luyện, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn đều do các thành viên của CLB tự nguyện đóng góp và vận động nguồn xã hội hóa. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ai cũng say mê và hạnh phúc vì được góp sức mình nâng cao đời sống tinh thần và gìn giữ, bảo tồn được nghệ thuật chèo truyền thống”.

Từ sự nhiệt tình và tình yêu nghệ thuật chèo truyền thống, dù chỉ là các nghệ sĩ không chuyên, không được đào tạo một cách bài bản, nhưng hầu hết các thành viên trong các CLB đàn và hát dân ca của Hà Nam vẫn dành thời gian tự tìm tòi học hỏi các kỹ năng, miệt mài luyện tập và có thể biểu diễn được các trích đoạn kinh điển của nghệ thuật chèo như: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Súy Vân giả dại”, “Kim Nha”… để tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ. Cùng với đó, CLB hát dân ca và chèo ở các làng quê còn tự biên, tự diễn nhiều tiểu phẩm, trích đoạn mới phù hợp từng chủ đề của buổi diễn.

Gìn giữ cho hôm nay và mai sau

Cho đến nay, phong trào hát chèo ở các làng quê Hà Nam đã có nhiều người tham gia các đội, nhóm, CLB hát dân ca và chèo. Vào dịp đầu Xuân năm mới hoặc trong những ngày hội làng truyền thống, các CLB hát dân ca và chèo ở Hà Nam đều đóng góp lời ca, tiếng hát, mang đến không khí vui tươi.

Đã có hơn 40 năm hát các làn điệu chèo và mặc dù nghỉ hưu hơn 10 năm nay, nhưng cô Đặng Tuấn Dung, phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên vẫn tích cực tham gia các CLB hát chèo tại địa phương. Cô Dung chia sẻ: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở làng Chuông, nơi được biết đến có cụ trùm Bách hát chèo nổi tiếng và cũng là người có công dạy dân làng Chuông biết hát chèo. Vậy mà giờ đây, nghệ thuật hát chèo ở quê tôi cũng bị mai một nhiều. Điều trăn trở của tôi bây giờ là làm sao truyền lại cho lớp trẻ để tiếp tục lưu giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật hát chèo của ông cha. Khó khăn của cơ sở bây giờ là các làn điệu chèo có chiều hướng mai một, do các nghệ nhân am hiểu nghệ thuật chèo còn không nhiều và nhất là thiếu các nhạc công giỏi”. Từ tình yêu nghệ thuật chèo và mong muốn được truyền nghề đến lớp trẻ, cho nên cô Dung đã không quản ngại khó khăn liên hệ với các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thị xã Duy Tiên để đưa các điệu múa, làn điệu chèo vào các tiết mục văn nghệ của các nhà trường. Ban đầu, học sinh chưa hiểu được các bài hát thì cô lại dạy cho các điệu múa, cách cầm quạt để dần dần giúp các em hiểu, cảm nhận được và từng bước đến với nghệ thuật chèo.

Sau một thời gian dài nỗ lực và tâm huyết của những người yêu chèo,  nhiều chiếu chèo đã được khôi phục trở lại dưới hình thức các CLB hát dân ca và chèo. Có thể kể đến hoạt động sôi nổi, hiệu quả của các CLB thôn, xã như: Đồng Văn, Chuyên Thiện, Chuyên Nội, Châu Giang, Hợp Lý, Lê Hồ… Tuy vậy, hầu hết các CLB hát chèo của tỉnh Hà Nam hiện vẫn thiếu vắng những hạt nhân trẻ. Theo khảo sát, trong tổng số hội viên đang sinh hoạt tại gần 100 CLB chèo, số hội viên dưới 30 tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn từ 40 tuổi trở lên, nhiều nhất là số hơn 60 tuổi.

Là người nhiệt tình với các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, nhất là với hát chèo truyền thống, bà Nguyễn Thị Ngoan năm nay đã 80 tuổi nhưng cũng có 60 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, hiện đang sinh hoạt tại CLB hát chèo quần chúng Nguyễn Văn Trỗi, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên. Bà cho biết: “Dù tuổi cao, nhưng tôi muốn tham gia để động viên anh chị em trong CLB và lưu truyền cho lớp trẻ nối lại tinh thần văn nghệ. Chúng tôi cố gắng để truyền sự đam mê cho lớp trẻ, nhưng có cái khó là nhiều bạn trẻ còn phải lo mưu sinh, làm kinh tế, nên chưa thể tập trung hết cho các phong trào văn hóa, văn nghệ và hát chèo như chúng tôi được”. 

Được biết đến là một nghệ sĩ có nhiều cống hiến với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo của tỉnh Hà Nam, NSND Lương Duyên luôn quan niệm, trong nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ trẻ bao giờ cũng có lợi thế, không chỉ hát hay, múa đẹp, mà còn phải biết “làm sáng” sân khấu. Nghệ thuật chèo cũng vậy, bất cứ tích chèo, trích đoạn hay vở chèo nào, đều cần có các nhân vật kép, đào, hề, lão, mụ, trong các nhân vật ấy, là kép và đào càng trẻ, càng đẹp thì tác phẩm biểu diễn càng hay và dễ dàng được công chúng đón nhận. Nghệ thuật chèo rất hay, sâu sắc dễ đi vào lòng người, nhưng lại là một môn nghệ thuật khó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải kỳ công và bền bỉ tập luyện, không phải một sớm một chiều mà hát được. Cùng với năng khiếu bẩm sinh, cần có khả năng ứng biến trên sân khấu và trên hết là một tình yêu với chèo thấm dần theo thời gian, thấm đến thuộc làn điệu, thành kỹ năng.

Cho dù cuộc sống ở mỗi miền quê còn nhiều lo toan, vất vả nhưng những “nghệ sĩ” nông dân ở Hà Nam vẫn yêu và say mê tiếng hát chèo. Nhờ đó mà loại hình nghệ thuật chèo truyền thống ở Hà Nam luôn được bảo tồn và đang phát huy hiệu quả giá trị truyền thống tốt đẹp đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.