Cần một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối

NDO -

NDĐT – Cần thiết có một công viên chuyên đề khảo cổ tại khu di chỉ Vườn Chuối, vừa tạo thành điểm du lịch thú vị, vừa giúp lưu giữ những giá trị di sản của cha ông, lại tăng thêm giá trị cho các khu đô thị mới sau này. Đó là ý kiến của hầu hết các nhà khoa học tại Hội nghị tổng kết kết quả thăm dò, khai quật khu di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) vừa qua.

Cần một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối

Ba phương án cho Vườn Chuối

Vườn Chuối là di chỉ duy nhất đến nay còn lưu giữ cả ba giai đoạn phát triển văn hóa Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Dựa trên các kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ tại Vườn Chuối, các nhà khoa học của dự án thăm dò, khai quật Vườn Chuối đã đưa ra ba phương án khả thi đối với bảo tồn khu di chỉ độc đáo này.

Phương án thứ nhất, là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối với tổng diện tích phân bố gần 12 nghìn m2, gồm ba gò Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng), trong đó khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong phạm vi bảo tồn, tiếp tục khai quật, nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Bảo tồn nguyên trạng và nghiên cứu là phương pháp phù hợp nhất trong điều kiện ngành khảo cổ học hiện nay còn đang thiếu các phương tiện máy móc hỗ trợ nghiên cứu, giúp tránh được thất thoát thông tin khoa học còn lưu giữ trong lòng đất.

Cần một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối ảnh 1

Mộ táng Đông Sơn ở Vườn Chuối.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực và của thành phố, vì hiện nay phần lớn di tích nằm trong dự án đường vành đai 3.5 của Hà Nội đang thi công, đồng thời phần diện tích còn lại thuộc về dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch…

Phương án thứ hai là dành một phần Vườn Chuối để dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ này, đồng thời xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Khai quật và di dời di tích trước khi xây dựng. Phương án này không chú trọng vào bảo tồn di sản văn hóa mà chỉ tập trung cho phát triển kinh tế xã hội, và hoàn toàn phá hủy nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá này của Hà Nội, và sẽ gây ra tác hại lâu dài.

Phương án thứ b là bảo tồn 6 nghìn m2 phía đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6 nghìn m2 nửa phía Tây, song song với xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích này trước khi di dời. Đối với nửa diện tích phía đông, cần khoanh vùng bảo vệ và xây dựng thành công viên di tích hoặc bảo tàng cộng đồng trưng bày, giới thiệu về giá trị của di tích tới người dân, du khách và những ai quan tâm.

Phương án này kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của di sản với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố. Hiện nay chúng ta chưa có một dự án nào khai quật, nghiên cứu tổng thể vè làng Việt cổ thời đại Kim khí từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Việc nghiên cứu phần diện tích còn lại ở Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng sẽ mang đến những tư liệu quý báu, góp phần đem đến nhận thức toàn diện về về một làng Việt cổ ở châu thổ sông Hồng thời Kim khí cách đây hàng nghìn năm. Chúng ta cũng còn một nửa diện tích di chỉ được bảo tồn nguyên vẹn để phục vụ những nghiên cứu bổ sung trong tương lai. Các di vật, tư liệu thu được trong quá trình thu được sẽ phục vụ trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội và bảo tàng cộng đồng được xây ngay trong khuôn viện di tích.

Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là sẽ có một khối lượng công việc rất lớn gồm nhiều dự án thành phần như khai quật nghiên cứu khảo cổ học, chỉnh lý trưng bày di tích tại bảo tàng, xây dựng khảo cổ học cộng đồng ở Lai Xá… đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp thành phố.

Nhiều nhà khoa học ủng hộ một công viên khảo cổ

Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan điểm tán thành phương án xây dựng một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, Vườn Chuối nên chăng cần một công viên khảo cổ học, không chỉ giải quyết vấn đề bảo tồn mà còn phục vụ cho chính những khu đô thị hiện đại. Chúng ta cũng có thể học tập Hàn Quốc xây dựng những công viên khảo cổ, giữ nguyên các hố khai quật, có trưng bày di vật, giới thiệu thông tin, đồng thời biến nơi đây thành nơi phục vụ cho đào tạo các ngành khảo cổ. “Về lâu dài, chúng ta cần những nơi như thế này để phục vụ nghiên cứu, đào tạo” – ông nói.

TS địa chất Nguyễn Văn Toản cho rằng, di chỉ Vườn Chuối lưu giữ nhiều thông tin quý, liên quan đến nhiều giai đoạn lịch sử. “Nếu chúng ta không bảo tồn là có tội với tiên tổ. Ở nhiều dự án đường, có những cây cổ thụ trăm tuổi, đường cũng phải vòng tránh. Huống chi đây là một di chỉ hơn 2.500 năm, càng cần phải gìn giữ” – ông nói.

Cần một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối ảnh 2

PGS. TS Bùi Văn Liêm, người phụ trách dự án báo cáo tại Hội nghị.

TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng bày tỏ mong muốn giữ lại di tích, bởi những di tích như thế này không còn nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Hiền cũng phân tích rằng cần phải chiểu theo điều kiện thực tế. Đối với những khu đô thị, chúng ta cần tính toán để có được sự hài hòa. Ông cũng ủng hộ việc xây dựng một công viên khảo cổ ở đây: “Cần biến nơi này thành công viên khảo cỏ, nơi học tập cho sinh viên chuyên ngành khảo cổ”.

TS Nguyễn Tiến Đông thì đưa ra một thí dụ về một khu khai quật khảo cổ ở phía bắc nước Anh, nơi mà những ai muốn vào khai quật đều phải nộp khoản tiền phí 100 bảng Anh để đào trong năm ngày. Ông cũng mong mỏi các cơ quan chức năng ngồi với các nhà khoa học, nghe các nhà khoa học đề xuất. Giải pháp xây dựng một công viên khảo cổ là hoàn toàn khả thi ở đây, với nhiều cách tạo nguồn thu như bán đồ lưu niệm, mở căng tin, mở dịch vụ…

TS Bùi Hữu Tiến, người theo sát dự án khảo cổ tại Vườn Chuối từ những ngày đầu chia sẻ, cần phải gìn giữ, bảo tồn di tích này cho con cháu chúng ta, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được một di chỉ khảo cổ chứa đựng lịch sử của nhiều giai đoạn như thế này. Lập một công viên khảo cổ không chỉ giúp bảo tồn di tích, mà còn là lời cảm ơn hữu hiệu nhất tới những người dân Lai Xá, những người đã góp phần rất lớn phát hiện và gìn giữ di tích này.

Di sản vô giá ở Vườn Chuối

Cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích cho Vườn Chuối

Chính thức khởi công dự án khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Cổ vật Vườn Chuối lần thứ hai bị đào trộm

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ